Chào mừng các em đã ghé thăm blog Anh Chú Hướng Nghiệp! Để anh giới thiệu một chút về câu chuyện của bản thân mình nhé.
Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng anh đã trải qua quá trình du học và làm việc tại nước ngoài nhiều năm trước khi quyết định trở về. Chặng đường làm du học sinh của anh bắt đầu từ năm 15 tuổi, khi anh được nhận học bổng A*Star của Chính phủ Singapore để theo học tại Hwa Chong Institution. Sau 4 năm học trung học ở Singapore, anh may mắn giành được học bổng toàn phần của Swarthmore College – 1 trong 3 trường ĐH Liberal Arts hàng đầu tại Mỹ để theo học bậc đại học chuyên ngành Kinh tế tại đây.
Giấc mơ Mỹ và cú sốc văn hóa
Trong những năm học đại học, một trải nghiệm vào mùa hè năm nhất đã thay đổi hoàn toàn cách anh suy nghĩ về cuộc sống và những giá trị mà mình – một người trẻ – có thể đem lại cho xã hội. Khi đó, anh mới bắt đầu bước chân sang du học ở Mỹ và vừa trải qua một cú sốc văn hóa lớn, khiến cho bản thân liên tục đặt câu hỏi về những giá trị của bản thân. Cùng lúc đó, anh nhận ra rằng giới trẻ Việt Nam lúc đó, trong đó có anh, còn thiếu rất nhiều những kỹ năng và sân chơi cần thiết để có thể tự tin trình bày quan điểm cá nhân.
Mùa hè năm đó, anh đã kết nối với các bạn cùng quan tâm để lập nên một dự án phát triển kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện của giới trẻ Việt Nam với tên gọi YVS (Youth’s View, Voice and Vision in Society). Trong năm đầu tiên thành lập, YVS đã tạo ra những buổi workshop và hội thảo để giúp cho 24 bạn trẻ trau dồi các kỹ năng tư duy, tranh luận, hùng biện, và cuối cùng có cơ hội được đứng trước một hội trường lớn để cất lên tiếng nói về những vấn đề xã hội. Khoảnh khắc nhìn thấy sự tiến bộ vượt bậc của các bạn cũng là lần đầu tiên anh cảm nhận được một khát vọng lớn lao trong anh là giúp đỡ cho sự phát triển của giới trẻ Việt Nam.
Những năm tháng học đại học cũng cho anh những khoảnh khắc khó khăn, chênh vênh của một người trẻ “tự đốt đuốc tìm đường đi” trong việc định hướng bản thân. Anh còn nhớ vào năm ba đại học, anh chợt nhận ra bạn bè dường như đã có những dự định rất rõ ràng về nghề nghiệp sau khi ra trường, còn bản thân anh thì vẫn chưa đâu vào đâu. Sau những cố gắng nộp đơn xin việc nhiều nơi, anh cũng may mắn được nhận vào làm thực tập ở một tổ chức nghiên cứu quan hệ quốc tế tại thủ đô Washington DC của Mỹ.
Thế nhưng, thử thách lớn nhất đối với anh lúc đó lại là chi phí sinh hoạt tại thủ đô của nước Mỹ rất đắt đỏ. Để có thể tiết kiệm khoản tiền thuê nhà đáng kể, anh đã chấp nhận nhiều ngày liền sống trong một căn nhà bỏ hoang. Khó khăn là vậy, nhưng anh vẫn tự nhủ không để ảnh hưởng tới công việc, và anh đã hoàn thành ba tháng thực tập tại tổ chức phi chính phủ đó với những bài báo nghiên cứu tâm huyết được đăng tải trên website của họ.
Nhưng quan trọng hơn cả, đổi lại những ngày tháng ăn nhờ ở đậu đó là một kinh nghiệm làm việc ở Mỹ rất quý báu, giúp anh có thể tự tin apply thành công vào những tập đoàn lớn tại Mỹ sau này.
Con đường tới Harvard
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh trải qua một thời gian làm việc cho các tập đoàn lớn tại Mỹ (Analysis Group) và Singapore (Lazada Group). Quãng thời gian này đã cho anh những kỹ năng nghề nghiệp quan trọng và trải nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp ở những quốc gia phát triển. Trong lúc con đường thăng tiến đang rộng mở, có điều gì đó vẫn thôi thúc anh quay trở lại môi trường học thuật để tìm cảm hứng ở những hoạt động vượt ra ngoài tham vọng sự nghiệp cá nhân. Khi đọc về chương trình Thạc sĩ Chính sách Công của ĐH Harvard, anh thực sự cảm nhận được rằng trường muốn giúp đỡ học viên để góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trên toàn thế giới.
2 năm tại Harvard là một chặng đường đầy cảm hứng mà ở đó, điều ý nghĩa nhất anh đã cảm nhận được là tâm thế học hỏi mãi mãi, là sự chủ động gần như bắt buộc của mỗi học giả trong hành trình học tập của bản thân, và mục đích của việc học tập là vượt ra ngoài những tham vọng cá nhân để hướng tới những khát vọng vì cộng đồng.
Khát vọng trở về vì giới trẻ Việt Nam
Trong bài luận apply vào ĐH Harvard, anh kể về sự ngưỡng mộ của mình đối với khát vọng của ba anh và những người bạn của ông đã chiến đấu ra sao trong cuộc kháng chiến cứu nước. Và anh tự hỏi tại sao thế hệ của chúng ta lại không thể có một ngọn lửa chung như vậy? Nếu như khát vọng của thế hệ ngày đó là độc lập, tự do, thì khát vọng lớn nhất của thế hệ trẻ ngày nay phải là một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Mỗi người chúng ta có thể đóng góp cho điều đó theo một cách riêng, nhưng tầm vóc, bản lĩnh của thế hệ ngày nay là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng đó.
Vì vậy, anh đã quyết định trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard để hiện thực hóa khát vọng đó, và anh đã không có một chút hối tiếc nào từ đó tới nay. Bởi ngoài công việc làm tư vấn chiến lược, anh đang có cơ hội làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng mà anh yêu mến là giới trẻ Việt Nam, và trên con đường đó anh vẫn luôn tự nhủ phải học hỏi rất nhiều.
Anh Chú Hướng Nghiệp – một chặng đường mới phía trước
Có rất nhiều bạn trẻ đã hỏi anh “Em nên học chuyên ngành gì?”, “Em nên theo đuổi nghề gì?” Anh biết rằng những câu hỏi này không dễ gì có thể giải đáp được, và hành trình tìm ra câu trả lời có thể là hành trình quan trọng nhất mà mỗi người trẻ cần phải trải qua. Trên hành trình anh đã đi, dù cho đôi lúc việc đi lạc trên chính đôi chân của mình là tất yếu, rất nhiều lần anh từng ước rằng mình có thể nhận được sự trợ giúp đúng lúc từ những thế hệ đi trước.
Anh Chú Hướng Nghiệp ra đời từ đó. Anh hy vọng đây sẽ là nơi những bài học kinh nghiệm của anh đồng hành cùng sự sáng tạo, nhiệt huyết của GenZ, để tạo ra những sản phẩm về định hướng bản thân hữu ích nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Dõi theo chặng đường phát triển của Anh Chú Hướng Nghiệp tại:
“Yếu tố quan trọng nhất định hướng cho tất cả những việc mình đã, đang, và sẽ làm là khát vọng: khát vọng giúp đỡ, khát vọng cống hiến, khát vọng tạo nên những thay đổi tốt đẹp cho giới trẻ và cho Việt Nam.”