Anh chú hướng nghiệp

Chọn sếp

Chọn sếp

Nếu như cánh cổng đại học mở ra cho những tân sinh viên một bầu trời với những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng thì tấm bằng tốt nghiệp và những bước chân đầu tiên bước đi lập nghiệp lại đưa các em tới những câu hỏi: Làm gì và ở đâu?

Mời bạn lắng nghe chia sẻ của Anh Chú Hướng Nghiệp tại:

sếp

1. Thế nào là sếp phù hợp?

Trong quá trình tiếp xúc và làm mentor cho các bạn sinh viên, anh nhận ra rằng: Đa số các bạn sinh viên sắp ra trường đều dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về việc lựa chọn công việc. Suy nghĩ kỹ càng là thế, nhưng tại sao thực trạng “nhảy việc” hiện nay vẫn diễn ra thường xuyên? Rất nhiều bạn trong số đó cho rằng mình không phù hợp với văn hóa công ty hoặc không nhìn thấy được cơ hội thăng tiến và phát triển ở môi trường cũ. Vậy đâu là nguyên nhân gốc rễ của những lý do đó? Chắc hẳn, các bạn ấy đã quên mất rằng bên cạnh chọn công việc, chọn công ty hay chọn một mức lương tốt thì còn có một lựa chọn khác cũng quan trọng không kém. Đó là chọn sếp.

Sếp ở đây không phải lúc nào cũng là CEO, Founder… mà là người trực tiếp quản lý các em. Nếu em là nhân viên thì trưởng phòng chính là sếp. Còn nếu em giữ các chức vụ cao hơn, ở bậc quản lý hay team lead thì sếp của em sẽ là trưởng bộ phận của công ty. Điều này tùy thuộc vào cấp độ và hoàn cảnh công việc của em. Trong một vài trường hợp, em có thể sẽ phải làm việc dưới sự chỉ đạo của nhiều sếp, đây sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức.

chọn sếp hay nơi làm việc

Quay trở lại vấn đề: Vì sao chọn sếp lại quan trọng đến vậy? Bởi càng đi làm các em sẽ hiểu – những gì viết trên mô tả công việc chỉ là rất nhỏ so với trải nghiệm đi làm thực tế. Mà sếp của em có ảnh hưởng rất lớn đến điều đó.

Em có thể bị thu hút bởi những quyền lợi, lộ trình thăng tiến hấp dẫn trên mô tả công việc và quyết định apply vào công ty, nhưng nếu sếp không tin tưởng, không giúp đỡ thì chắc chắn họ sẽ chẳng mang tới cho em bất cứ cơ hội nào để phát triển và chứng tỏ thực lực của mình, ngay cả khi em là người giỏi nhất. Sếp không phù hợp cũng có thể nhanh chóng biến công việc mơ ước của em thành quá khứ khó quên. 

Ngược lại, một người sếp phù hợp có thể biến công việc phức tạp, khó khăn thành thú vị, và đưa sự phát triển cá nhân của em lên một tầm cao mới.

Đối với những sinh viên mới ra trường, có những nghiệp vụ em không nắm chắc hoặc những kiến thức em chưa từng trải nghiệm, sếp sẽ là người hướng dẫn và giúp em định hướng đúng con đường mà em phải đi. Nếu như người khác hoàn thành lộ trình bằng những bước đi bộ thì với những lời chia sẻ từ sếp, em sẽ tiến về đích bằng những bước chạy dài. Điều đó có nghĩa là con đường sự nghiệp của em bớt chông chênh và được rút ngắn đáng kể, em sẽ dư dả thời gian cho các kế hoạch phát triển bản thân khác. 

nơi làm việc

Sếp phù hợp cũng là người khiến em nhận ra rằng không bao giờ có duy nhất một cách giải quyết vấn đề, nếu cố gắng tìm tòi, em sẽ phát hiện ra vô vàn cách hay ho và hiệu quả. Ngoài ra, họ sẽ khuyến khích em phá bỏ lớp vỏ bọc và bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Họ cho phép em thử nghiệm, cho phép em sai lầm để rút ra kinh nghiệm vì họ có thể nhìn thấy tiềm năng ở em.

Nhiều người định nghĩa thành công là phải có được địa vị cao, lương ngàn đô mỗi tháng, làm việc trong một công ty danh tiếng… Thế nhưng, khi gặp được người sếp phù hợp, em sẽ nhận ra rằng những định nghĩa kia không phải là đích đến mà em cần theo đuổi. Chức vụ, mức lương chỉ là những yếu tố hào nhoáng bên ngoài chứ không phản ánh được năng lực thực sự của một người. Chỉ khi em làm việc với tất cả niềm đam mê và năng lượng thì đó mới là thành tựu đáng tự hào.

Đừng chỉ nghĩ có công việc là may lắm rồi, hay sếp là ai mình đâu có quyền quyết định. Điều đó không hoàn toàn đúng đâu. Hãy nhớ rằng khi em còn đang trong quy trình tuyển dụng, cả hai bên đều có quyền lựa chọn. 

chọn nơi làm

2. Làm thế nào để chọn sếp phù hợp?

Trước khi quyết định apply, hãy tìm hiểu trước các thông tin về sếp qua các trang mạng xã hội như Linkedin, facebook. Những bài viết chia sẻ quan điểm, những bài đăng về cuộc sống cá nhân chính là tư liệu quý giúp em xem xét liệu mình có muốn gặp gỡ và làm việc cùng họ hay không.

Trong trường hợp không biết trước sếp là ai thì em vẫn có thể xem xét và lựa chọn sếp cho mình. Bởi, trong quy trình phỏng vấn thông thường, càng về sau em sẽ càng có cơ hội được gặp các sếp – từ cấp quản lý đến sếp lớn. Phỏng vấn là một quá trình 2 chiều. Các sếp sẽ đánh giá em, nhưng em cũng cần phải đánh giá họ.

Tuy nhiên, trước khi phân biệt thế nào là một người sếp phù hợp hay không phù hợp, em cần phải hiểu điều bản thân mình mong muốn ở một cấp trên là gì. Để biết được điều này, em cần lưu ý tới những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình. Việc xác định một lộ trình cụ thể sẽ giúp em phân tích những kỹ năng mình đang có và cần có để tìm kiếm một người sếp có thể tạo cơ hội cho em phát huy và học hỏi.

Trong cuộc phỏng vấn, đừng chỉ tập trung vào việc chứng tỏ bản thân. Hãy chú ý đến mọi chi tiết dù là nhỏ nhất. Hãy quan sát xem sếp đã chuẩn bị như thế nào cho một buổi phỏng vấn? Họ có phải là người biết lắng nghe không?… Hãy cố gắng cảm nhận giá trị và tính cách của sếp qua cách họ đặt câu hỏi và những dấu hiệu phi ngôn ngữ. Rất nhiều khi những dấu hiệu đó cũng phản ánh văn hóa và phong cách làm việc của cả công ty.

Đừng ngần ngại đặt câu hỏi về tầm nhìn của sếp, hay điều gì làm họ cảm thấy có ý nghĩa nhất trong công việc của mình. Em cũng có thể hỏi trực tiếp phong cách quản lý hoặc phong cách làm việc của họ là gì để xem liệu nó có phù hợp với em hay không? Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về mô tả công việc hoặc cần rõ ràng hơn về vị trí em đang ứng tuyển thì cuộc phỏng vấn cũng là thời điểm thích hợp để hỏi.

Chọn sếp hay làm việc

Cuối cùng, hãy tin vào trực giác của mình. Việc tập trung vào trả lời và đặt lại các câu hỏi cho người phỏng vấn đôi khi có thể làm lu mờ khả năng phán đoán của em. Thỉnh thoảng, hãy tự hỏi bản thân xem đây có phải là công việc em mong muốn và người quản lý em muốn làm việc cùng hay không. Ngay kể cả khi cuộc phỏng vấn diễn ra suôn sẻ nhưng em vẫn có linh cảm gì đó không được tốt cho lắm, hãy dành thời gian suy nghĩ thật kỹ về quyết định của mình. Đừng xem thường những điều mà con tim mách bảo vì nó sẽ là tín hiệu cho thấy có thể em không thực sự phù hợp với người sếp và môi trường này. 

3. Lời kết

Hãy tìm kiếm công việc với mục tiêu rõ ràng và ưu tiên chọn sếp trước khi chọn chức vụ hay tên công ty. Sự nghiệp của các em sẽ bắt đầu từ đó. 

Trong những năm tháng tuổi 20, em có thể trải qua không chỉ một công việc. Nhưng em có thể nhớ mãi những người sếp sẵn sàng giúp em phát triển vượt ra ngoài công việc em đang làm.

Chọn đúng sếp, em có thể tiến rất nhanh và rất xa.

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ nội dung bài viết:

Anh Chú Hướng Nghiệp (www.anhchuhuongnghiep.com)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp
Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dự án Anh Chú Hướng Nghiệp hiện thực hóa khát vọng giúp đỡ giới trẻ của Dương Trần – Thạc sĩ ĐH Harvard, Chuyên gia Tư vấn chiến lược.

Đọc thêm tại đây

Kết nối

Chủ đề

Đăng ký nhận newsletter

Đăng ký nhận newsletter

Nhận email cập nhật về các bài viết, tài liệu & sự kiện mới của Anh Chú Hướng Nghiệp