Anh chú hướng nghiệp

Học Từ Mentor Sao Cho Đúng?

hoc-tu-mentor-feature

Mentor theo nghĩa nào đó chính là một người thầy vô cùng đáng kính của mỗi mentee. Nhưng mentor không phải là người đi đằng trước và chỉ cho mentee thấy họ đã làm như thế nào, thay vào đó, mentor là người song hành và hỗ trợ nhất định trong việc khai phá tối đa tiềm năng ở mentee, giúp mentee thấy được bản thân thực sự có thể làm được những gì. Nói cách khác, chúng ta không thể “copy” 100% cuộc đời hay sự chỉ dẫn từ mentor rồi “paste” vào chặng đường riêng của bản thân và cũng không có mentor nào muốn mentee của mình làm thế. Như vậy, phải làm thế nào để có thể học từ mentor một cách hiệu quả và tối ưu nhất là cả một câu hỏi đau đầu. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm trong cả quá trình làm mentee và sau này là một mentor của nhiều bạn trẻ, Anh Chú Hướng Nghiệp sẽ cùng bạn từng bước tháo gỡ thắc mắc hóc búa này nhé!

1. Có phải mọi lời khuyên từ mentor đều hữu ích?

Khi đã lựa chọn mentor tiềm năng và thuyết phục được họ để đồng hành cùng chúng ta, chắc chắn mỗi người đều đã thấy được sự phù hợp nhất định giữa mình và mentor cũng như đặt nhiều niềm tin vào họ. Dù mentor vẫn luôn chân thành giúp đỡ chúng ta nhưng những lời khuyên đôi khi không tránh khỏi sự chủ quan, bởi lẽ con đường mà mentor đã đi sẽ không thể hoàn toàn giống bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đang hoang mang với câu hỏi liệu học từ mentor bao nhiêu là đủ, có cần sự chọn lọc hay không, hãy lưu ý một số điều sau nhé:

  • Một người nên có nhiều mentor (từ 2 đến 3 hoặc nhiều hơn tuỳ từng trường hợp). Việc này tạo điều kiện để bạn có thể đối chiếu lời khuyên của các mentor với nhau trước khi quyết định thực hiện theo. Thực tế là sẽ có một số mentor chỉ có thể giúp bạn đưa ra định hướng tổng, trong khi một số lại sâu sát hơn. Vì vậy có nhiều mentor một lúc sẽ là một cách để họ gián tiếp bù đắp cho nhau trong việc hướng dẫn bạn.
  • Có mentor không đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thất bại: Đây là tâm thế mà mỗi mentee đã phải chuẩn bị trước khi tìm kiếm những mentor cho mình. Cần hiểu rằng mentor chỉ có vai trò hướng dẫn và đưa ra lời khuyên ở một mức độ nào đó, họ không có nghĩa vụ làm thay hay chịu trách nhiệm cho bất kỳ sai lầm, thất bại nào của mentee. Thế nên, bạn không thể mãi trông đợi mentor sẽ vạch ra chi tiết từng đường đi nước bước cho bạn một cách hoàn toàn chính xác. Tinh thần phản biện, kỹ năng đặt câu hỏi và sự tự chủ trong mọi quyết định của bạn là rất quan trọng. Đôi khi cứ ngồi đắn đo mãi cũng không phải là cách, bởi lẽ thực tế mới là phòng thí nghiệm tốt nhất cho mọi lý thuyết. Đứng lên từ thất bại, cả bạn lẫn mentor có thể sẽ cùng học hỏi được nhiều hơn. Do đó nếu sau khi suy xét, so sánh hoặc áp dụng bước đầu lời khuyên của mentor và thấy chưa thỏa đáng, bạn hoàn toàn có thể trao đổi lại cùng mentor trên tinh thần hợp tác cùng rút kinh nghiệm nhé. 
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Tư Duy Phản Biện (Critical Thinking) Là Gì?
  • Biết được câu trả lời (answer) là rất tốt, song sẽ càng tốt hơn nữa nếu bạn học được ở mentor cả cách tìm ra câu trả lời ấy (know how to): Phương pháp tư duy giải quyết vấn đề mới thực sự là điều đáng quý mà bạn cần học từ mentor. Bởi lẽ những kinh nghiệm của mentor đôi khi không thể áp dụng cho bạn, nhưng các công thức chung nào đó được họ sử dụng khi đối mặt với các thách thức có thể hỗ trợ bạn một cách linh hoạt hơn rất nhiều. Những kỹ năng ấy cũng giúp bạn rất nhiều trong việc phản biện và tự đưa ra quyết định. Tóm lại, thay vì cứ mãi trông đợi “con cá” từ mentor, hãy chủ động yêu cầu họ tặng cho mình cả “cần câu”!
hoc-tu-mentor-1

2. Bí quyết để học từ mentor hiệu quả nhất: kỹ năng đặt câu hỏi!

Kỹ năng đặt câu hỏi vốn là một trong những kỹ năng cực kì quan trọng. Đối với quá trình mentoring, việc đặt câu hỏi của mentee hầu như là cách thức cốt yếu, thế nên làm sao để đặt câu hỏi thực sự hiệu quả và nhận được câu trả lời mình cần, đồng thời tạo hứng thú cho mentor là điều bạn nên thực sự quan tâm. Anh Chú Hướng Nghiệp có thể đưa ra một số gợi ý cho bạn như sau:

  • Câu hỏi phải rõ ràng, cụ thể trong trường hợp của cá nhân bạn. Ở giai đoạn đầu, khi mối quan hệ với mentor chưa đủ sâu, bạn chỉ nên đặt những câu hỏi nhỏ. Bạn cũng cần lưu ý phải đặt câu hỏi theo đúng chuyên môn của họ.

Ví dụ: Mentor của bạn từng là du học sinh Mỹ với mức học bổng 100%. Đương nhiên bạn không thể hỏi họ một cách chung chung và thậm chí chẳng mấy liên quan rằng: “Em muốn đi du học Trung Quốc thì phải làm thế nào?”. Nhưng cùng một nội dung ấy, mentor dù chưa từng học ở Trung Quốc vẫn sẽ có thể trả lời bạn dễ dàng nếu câu hỏi là: “Em muốn đi du học Trung Quốc tại trường này, họ có những yêu cầu như vậy đối với việc cấp học bổng toàn phần, nhưng hoàn cảnh và hồ sơ hiện tại của em là thế này, anh/chị có thể chia sẻ thêm với em về cách xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo những yêu cầu ấy được không ạ?”.

  • Chỉ đặt câu hỏi sau khi đã tìm hiểu kỹ trước những thông tin có sẵn. Trong trường hợp bạn chưa biết nhiều về một vấn đề nào đó, thay vì yêu cầu mentor trình bày “tất tần tật” cho bạn, họ sẽ đánh giá cao hơn nếu bạn đề nghị rằng: “Anh/Chị có nguồn tài liệu nào để em tự tìm hiểu trước không ạ?”.
  • Đặc biệt, mentor sẽ rất hứng thú với những câu hỏi mà chỉ họ mới có thể trả lời. Cụ thể là những câu hỏi liên quan đến trải nghiệm cá nhân đặc biệt của mentor. 

3. Cách để kết nối một cách sâu sắc và xây dựng mối quan hệ bền vững với mentor

Muốn học từ mentor trong một chặng đường dài, mentee cần hình thành mối quan hệ sâu sắc và bền vững với mentor chứ không chỉ dừng lại ở mức độ xã giao. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng mối quan hệ sâu sắc với mentor không thể được xây dựng chỉ trong một sớm một chiều mà cần bắt đầu một cách tuần tự, với sự tôn trọng và lợi ích đạt được ở cả hai bên. Bạn nên bắt đầu với những câu hỏi nhỏ mà mentor có thể trả lời ngay như Anh Chú đã đề cập ở trên. Hơn hết, một mối quan hệ bền vững với mentor phải dựa trên cơ sở mong muốn được học hỏi và phát triển bản thân lâu dài của bạn.

Trong giai đoạn đầu, bạn có thể chia sẻ, bình luận về quan điểm của mình dưới các bài viết của mentor về chủ đề mà bạn đang quan tâm hoặc đang muốn học hỏi thêm từ họ. Đây cũng là cơ hội để bạn tìm kiếm được một vài câu hỏi hay và trò chuyện với họ nhiều hơn. Cụ thể, nếu muốn được làm rõ thêm hoặc muốn phản biện về một hoặc một vài luận điểm trong bài viết ấy, bạn có thể nhắn tin trực tiếp cho mentor rằng “Em thấy anh/chị viết thế này, có phải ý anh/chị là…. không ạ?” hoặc “Quan điểm của anh/chị trong bài viết này giúp em hiểu được vấn đề…, em đã thử áp dụng nhưng không được, anh/chị có thể khuyên sâu thêm không ạ?”,… Cách đặt câu hỏi này cho phép mentor trình bày rõ ý của họ, đồng thời chứng minh rằng bạn thực sự quan tâm đến bài viết ấy. Cần lưu ý tránh những câu hỏi có tính bắt bẻ, muốn chất vấn hay tranh cãi với mentor.

hoc-tu-mentor-2

Điều cần chú ý tiếp theo chính là thời gian của mentor. Họ là những người rất bận rộn, do đó bạn phải tôn trọng thời giờ mentor dành ra để giúp đỡ bạn miễn phí. Hãy hỏi về thời gian rảnh của họ trong một tuần để tiện cho việc liên lạc, đặt câu hỏi khi cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chủ động đề nghị hình thức group-based mentoring (cố vấn theo nhóm) để giúp tiết kiệm thời gian của mentor. Trong quá trình đó, nếu có thêm thắc mắc hoặc gặp một vấn đề thực sự mang tính cá nhân, bạn hoàn toàn có thể tiến hành trao đổi riêng với mentor.

Bạn cũng nên cho mentor thấy được thành quả sau khi đã áp dụng lời khuyên của họ, đồng thời thể hiện sự tri ân bằng những lời hỏi thăm hoặc những món quà nhỏ vào một số dịp đặc biệt.

Dù bằng hình thức nào, hãy luôn luôn ghi nhớ việc phải thể hiện sự quyết tâm, tinh thần cầu tiến, ham học hỏi cũng như sự tôn trọng dành cho mentor nhé!

4. Nếu bạn cảm thấy mentor không còn phù hợp với mình nữa?

Trên thực tế, đây là điều rất hay xảy ra. Mentor có thể đóng vai trò một người bạn trong thời gian dài nhưng với vai trò người dẫn đường thì thường chỉ gói gọn trong giai đoạn nào đó. Tuy nhiên, bạn sẽ không biết rõ rằng liệu đây có phải là tình trạng vĩnh viễn hay chỉ tạm thời, nghĩa là sẽ khó mà đoán được trong tương lai bạn có cần đến họ nữa không. Thế nên, duy trì mối quan hệ với mentor vẫn rất quan trọng. Bạn không nên “bỗng dưng biến mất” hoặc phớt lờ mentor. Hơn hết, bạn cần có thái độ trân trọng quỹ thời gian mà mentor đã dành cho bạn dù có còn đồng hành với họ hay không.

Với vấn đề này, bạn nên thẳng thắn trình bày rõ với mentor, rằng trong giai đoạn này bạn sẽ tự mình thử sức với việc gì đó hoặc bạn đã có sự điều chỉnh trong định hướng của bản thân. Phương án tốt nhất cho bạn chính là vẫn để mở về việc mentoring một lần nữa trong tương lai, nghĩa là hy vọng mentor vẫn sẽ giữ liên lạc và sẵn sàng kết nối lại khi bạn cần sự giúp đỡ. Chính mentee phải là người chủ động duy trì mối quan hệ này. Không còn những câu hỏi hoặc sự chia sẻ nhưng mentee vẫn hoàn toàn có thể gửi lời hỏi thăm, lời chúc tốt đẹp vào một số dịp nào đó. 

hoc-tu-mentor-4

5. Kết

Quá trình học hỏi từ mentor của mỗi mentee là một hành trình lâu dài và không thiếu những vất vả, khó khăn. Mặc dù có nhiều điều cần lưu ý, song tinh thần quyết tâm, thái độ cầu thị và sự chân thành ở mentee là những điều cốt lõi nhất để việc học từ mentor trong suốt quá trình đạt được kết quả cao nhất.  Với những gợi ý đúc kết từ kinh nghiệm được chia sẻ từ nhiều mentor lẫn mentee như trên, Anh Chú Hướng Nghiệp hy vọng đã có thể mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích trong quá trình kết nối và học tập cùng mentor của mình. 

Nếu có thêm câu hỏi hoặc ý kiến đóng góp liên quan đến vấn đề này, bạn có thể để lại bình luận bên dưới nhé!

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ nội dung bài viết:

Anh Chú Hướng Nghiệp (www.anhchuhuongnghiep.com)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp
Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dự án Anh Chú Hướng Nghiệp hiện thực hóa khát vọng giúp đỡ giới trẻ của Dương Trần – Thạc sĩ ĐH Harvard, Chuyên gia Tư vấn chiến lược.

Đọc thêm tại đây

Kết nối

Chủ đề

Đăng ký nhận newsletter

Đăng ký nhận newsletter

Nhận email cập nhật về các bài viết, tài liệu & sự kiện mới của Anh Chú Hướng Nghiệp