Hành trình tìm kiếm lời giải đáp cho câu hỏi “Tôi là ai?” bao giờ cũng thú vị và đầy mê hoặc. Thế nhưng không đơn thuần là thỏa mãn trí tò mò, việc thấu suốt nội tâm của chính mình sẽ mang đến cho chúng ta sự tự tin cũng như khả năng đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội khác.
Bên cạnh các hình thức khám phá tính cách truyền thống như luận giải cung hoàng đạo, lá số tử vi hay áp dụng thần số học, các bài trắc nghiệm tính cách dựa trên cơ sở tâm lý học đang ngày càng trở nên phổ biến. Ngay cả các doanh nghiệp cũng sử dụng kết quả từ những bài kiểm tra này để xác định liệu ứng viên có phù hợp với vị trí công việc hay không, hoặc để phân bổ nhân sự một cách hợp lý hơn và tạo ra những nhóm làm việc có khả năng phối hợp hiệu quả.
Ngày nay, các bài trắc nghiệm tính cách vô cùng phong phú và đa dạng. Trong giới hạn bài viết này, Anh Chú Hướng Nghiệp sẽ giới thiệu đến các bạn những loại bài trắc nghiệm thường gặp và đơn giản nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kết quả mà các bài trắc nghiệm này đưa ra chỉ mang tính tham khảo, chúng cũng không phải một hằng số sẽ theo bạn đến hết cuộc đời. Hãy sử dụng các kết luận như một công cụ nhỏ trong hành trình định nghĩa bản thân và đừng đóng khung chính mình theo chúng nhé.
Table of Contents
1. Bài trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers–Briggs Type Indicator)
Dựa trên lý thuyết phân loại được trình bày trong Psychological Types của “cha đẻ” Tâm lý học phân tích Carl Gustav Jung, Katharine Cook Briggs và con gái bà là Isabel Briggs Myers đã sáng tạo một bài trắc nghiệm khoảng hơn 70 câu để phân loại 16 kiểu tính cách khác nhau, qua đó cho thấy một người sẽ nhìn nhận cuộc sống và đưa ra các quyết định như thế nào.
Mỗi kiểu tính cách được thể hiện dưới dạng một cụm từ gồm 4 chữ cái, thể hiện đặc điểm của người tham gia trắc nghiệm ở 4 khía cạnh sau:
- Cách tái tạo năng lượng: Hướng Ngoại (E – Extraversion) hay Hướng Nội (I – Introversion)
- Tìm hiểu và nhận thức về thế giới: Giác quan (S – Sensing) hay Trực giác (I – Intuition)
- Quyết định và lựa chọn: Lý trí (T – Thinking) hay Cảm xúc (F – Feeling)
- Cách thức hành động: Nguyên tắc (J – Judging) hay Linh hoạt (P – Perceiving)
MBTI hiện vẫn được xem là bài trắc nghiệm tính cách phổ biến nhất trên thế giới. Nó có thể đưa ra những gợi ý cho người tham gia về nghề nghiệp cũng như vị trí chuyên môn mà họ có thể phát huy tối đa năng lực của mình. Bên cạnh đó, MBTI cũng giúp chúng ta xử lí các mối quan hệ xã hội ổn thỏa hơn nhờ việc thấu hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
Nếu tò mò rằng mình thuộc nhóm nào trong 16 kiểu tính cách trên, bạn có thể dành chút thời gian để làm bài trắc nghiệm MBTI tại đây.
2. Bài trắc nghiệm tính cách theo mô hình HEXACO
Được phát triển bởi Kibeom Lee và Michael C. Ashton vào năm 2000, mô hình tính cách HEXACO được hai tác giả liên tục bổ sung, chỉnh sửa theo thời gian. Vì vậy mà hiện nay bạn có thể tìm thấy trên mạng các phiên bản khác nhau của bài trắc nghiệm tính cách này như HEXACO-PI, HEXACO PI-R, HEXACO-60. Tuy nhiên, về cơ bản, mô hình HEXACO thể hiện đặc điểm tính cách của một người qua sáu yếu tố chính. Trong đó, mỗi yếu tố lại được đo lường bởi những khía cạnh nhỏ hơn:
- [H] Trung thực – Khiêm nhường (Honesty – Humility): chân thành, công bằng, không tham lam, khiêm tốn
- [E] Cảm xúc (Emotionality): sự sợ hãi, lo lắng, mức độ phụ thuộc, sự đa cảm
- [X] Sự hướng ngoại (eXtraversion): lòng tự trọng, sự táo bạo, tính hoà đồng, sự sôi nổi
- [A] Khả năng hòa hợp (Agreeableness): lòng khoan dung, sự hoà nhã, tính linh hoạt, sự kiên nhẫn
- [C] Ý thức (Conscientiousness, C): có tổ chức, cần cù, truy cầu sự hoàn hảo, tính thận trọng
- [O] Mức độ sẵn sàng trải nghiệm (Openness to Experience, O): lòng yêu cái đẹp, tính hiếu kỳ, óc sáng tạo, tính độc đáo
Khi tham gia bài trắc nghiệm tính cách theo mô hình HEXACO, bạn sẽ được yêu cầu thực hiện tối thiểu 60 câu trắc nghiệm theo hình thức thang đo Likert với 5 mức độ từ rất không đồng ý đến rất đồng ý. Khi đã hoàn thành, bạn sẽ phải trả lời thêm một số câu hỏi khác về độ tuổi, xu hướng tính dục, tôn giáo, quan điểm chính trị, học vấn,… Số điểm cuối cùng của bạn ở mỗi yếu tố sẽ được thống kê, phân tích và so sánh với kết quả trung bình của những người từng tham gia để có thể đưa ra cái nhìn khách quan nhất.
Bạn có thể làm bài trắc nghiệm tính cách theo mô hình HEXACO tại chính trang chủ của HEXACO.
3. Bài trắc nghiệm tính cách Enneagram
Trong ngôn ngữ Hy Lạp, “Ennea” có nghĩa là số 9 và “Gram” nghĩa là đồ thị. Enneagram chính là mô hình miêu tả 9 dạng tính cách khác nhau, không phân biệt tính cách nào tốt hay xấu và tương ứng với 9 thói quen đặc thù về tư duy, cảm xúc và hành vi của một người, bao gồm:
- Người cầu toàn (Reformer/Perfectionist): làm mọi thứ một cách chính xác theo các tiêu chuẩn và quy tắc nhất định, luôn chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất để tránh mắc sai lầm.
- Người giúp đỡ (Helper/Giver): rộng lượng, luôn sẵn lòng ở bên cạnh và giúp đỡ người khác
- Người tham vọng (Achiever/Performer): tự tin, cầu tiến và luôn phấn đấu vì mục tiêu
- Người cá tính (Individualist/Romantic): quan tâm nhiều đến cảm xúc của bản thân, có tư duy sáng tạo và độc đáo
- Người lý trí (Investigator/Observer): độc lập, có năng lực tự chủ, thế giới nội tâm sâu sắc và kín đáo
- Người trung thành (Loyalist/Loyal Skeptic): luôn cảnh giác và suy nghĩ thấu đáo, có xu hướng kết hợp với các nhân vật và tổ chức có thẩm quyết đáng tin cậy để hạn chế rủi ro
- Người nhiệt tình (Enthusiast/Epicure): hoạt bát, sôi nổi, luôn tràn đầy năng lượng lạc quan và khát khao được trải nghiệm
- Người thách thức (Challenger/Protector): tự tin, dứt khoát và quyết đoán
- Người ôn hoà (Peacemaker/Mediator): điềm đạm, dễ gần, có khả năng đồng cảm với người khác và rất đáng tin cậy
Sau khi hoàn thành bài kiểm tra tính cách Enneagram, kết quả sẽ không xếp bạn vào một kiểu duy nhất nào trong 9 kiểu nói trên mà thường là sự kết hợp giữa khoảng 3 kiểu tính cách. Ví dụ như bạn có thể là sự kết hợp giữa kiểu người nhiệt tình, ôn hoà và cá tính.
Cũng như các bài trắc nghiệm tính cách phổ biến khác, Enneagram được sử dụng trong các doanh nghiệp lẫn những hoạt động liên quan đến tâm thức con người. Ở môi trường làm việc, Enneagram có thể hỗ trợ cho việc phân chia nhiệm vụ cũng như dung hòa mối quan hệ giữa các đồng nghiệp để mang đến hiệu suất tốt nhất.
Hãy tìm hiểu xem mình thuộc những kiểu tính cách Enneagram nào tại đây.
4. Bài trắc nghiệm tính cách DISC
Đây là bài trắc nghiệm tính cách được xây dựng bởi Walter Clarke vào những năm 1940 trên cơ sở lí thuyết DISC nổi tiếng của nhà tâm lý học William Moulton Marston. Bài trắc nghiệm này giúp chúng ta phần nào hiểu hơn về các thiên hướng hành vi, phong cách bên ngoài và sở thích của từng cá nhân.
DISC là cụm từ viết tắt của 4 nhóm tính cách ở con người do William Moulton Marston phân loại:
- D: Dominance (Nhóm thủ lĩnh): cho thấy tính cách thẳng thắn, mạnh mẽ, ý chí vững vàng và có xu hướng xem trọng kết quả
- I: Influence (Nhóm tạo ảnh hưởng): thể hiện ở tính cách hướng ngoại, năng nổ, lạc quan, có khả năng thuyết phục người khác
- S: Steadiness (Nhóm kiên định): tổng hòa của tính cẩn trọng, kiên nhẫn, làm việc có hệ thống, chi tiết, tương đối kín đáo và bảo thủ
- C: Compliance (Nhóm tuân thủ): đặc trưng là sự điềm tĩnh, kiên nhẫn, khiêm nhường cũng như luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác
Theo Marston, hầu như thế giới nội tâm của mỗi người đều là sự kết hợp của 4 nhóm tính cách nói trên nhưng mức độ của mỗi nhóm sẽ khác nhau. Bài trắc nghiệm tính cách DISC sẽ giúp người tham gia xác định nhóm nào chiếm tỉ lệ cao và nhóm nào chiếm tỉ lệ thấp để tìm ra loại tính cách điển hình của bản thân.
Bạn có thể sở hữu một biểu đồ DISC của riêng mình ở đây.
5. Trắc nghiệm tính cách theo mô hình OCEAN (Big Five)
Nhiều nhà tâm lý học hiện đại cho rằng tính cách con người bao gồm 5 khía cạnh, cụ thể là:
- O: Sự cởi mở (Openness)
- C: Tính tự chủ (Conscientiousness)
- E: Mức độ hướng ngoại (Extraversion)
- A: Sự hoà đồng (Agreeableness)
- N: Sự bất ổn cảm xúc (Neuroticism)
Big Five chính là bài trắc nghiệm tính cách được xây dựng trên giả thuyết ấy. Nó được nghiên cứu và phát triển bởi nhiều nhà khoa học trên cả ba lĩnh vực: ngôn ngữ học, di truyền học, tâm lý học và dữ liệu từ các bài kiểm tra tính cách khác.
Với Big Five, bạn phải trả lời các mệnh đề về bản thân theo thang đo Likert. Kết quả của Big Five sẽ cho thấy mức độ cao-thấp của 5 khía cạnh thuộc mô hình OCEAN trong bạn. Ví dụ như nếu số điểm bất ổn cảm xúc của bạn cao hơn 4 khía cạnh còn lại thì bạn chính là kiểu người hay lo âu, bất an và không tự tin về chính mình.
Trên cơ sở kết quả từ bài trắc nghiệm tính cách Big Five, mỗi người có thể hiểu rõ hơn về những đặc trưng nội tâm của bản thân cũng như tìm ra nguyên nhân của một số khó khăn, vướng mắc trong công việc và các mối quan hệ xã hội để từ đó có hướng giải quyết phù hợp.
Nếu cảm thấy hứng thú, bạn có thể tham gia làm trắc nghiệm tính cách Big Five tại đây.
6. Trắc nghiệm hướng nghiệp RIASEC (Holland Code Test)
Bài trắc nghiệm tính cách RIASEC được xây dựng dựa trên lí thuyết chia tính cách con người thành 6 loại tương ứng với 6 nhóm công việc khác nhau trong xã hội do John L.Holland đề xướng. Cụ thể, “RIASEC” bao gồm:
- Realistic (nhóm “Thực tế”): gồm những người thích lao động thể chất và vì vậy mà có xu hướng làm việc với công cụ, máy móc.
- Investigative (nhóm “Nghiên cứu”): trái ngược với nhóm Realistic, Investigative là những người thích lao động trí óc hơn là các công việc phải động tay động chân. Họ cũng là những người tò mò, ham học hỏi và hiểu biết.
- Artistic (nhóm ‘Nghệ sĩ’): gồm những người có tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm và bay bổng. Họ đều có khả năng sáng tạo và có xu hướng độc đáo, phá cách trong lối sống và lối suy nghĩ.
- Social (nhóm ‘Xã hội’): đây là những người hướng ngoại và năng nổ, làm việc với nhiều người hiệu quả hơn là làm việc một mình hoặc với công cụ. Họ thường quảng giao, thân thiện, dễ bắt chuyện.
- Enterprising (nhóm ‘Mạo hiểm’): nhóm người này thường ưa mạo hiểm, dám nghĩ dám làm, có năng lực quản lí và thuyết phục người khác. Vì vậy họ thường thích tự kinh doanh riêng thay vì làm thuê tại các công ty.
- Conventional (nhóm “Truyền thống”): đối lập với nhóm Enterprising, những người thuộc nhóm Conventional có khuynh hướng ưa thích các công việc ổn định, an toàn. Họ thích phân tích dữ liệu và các con số, vì vậy rất thích hợp với các công việc mang tính sắp xếp, có tổ chức, làm việc với nhiều giấy tờ, và thường thích làm thuê hơn là khởi nghiệp.
Thông qua việc xác định tính cách của người tham gia thuộc về nhóm nào, RIASEC sẽ góp phần giúp họ định hướng về nhóm ngành hoặc xu hướng làm việc của bản thân trong tương lai. Đó là lý do mà bài trắc nghiệm tính cách này thường được sử dụng tại các trường cấp ba cũng như đại học của Mỹ trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên lựa chọn chuyên ngành.
Hãy khám phá xem bạn thuộc nhóm tính cách nào trong 6 nhóm với biểu mẫu đơn giản này.
7. Lời kết
Có lẽ hầu hết chúng ta đều đã từng nghe qua câu nói nổi tiếng này của Albert Einstein: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời nó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Anh Chú Hướng Nghiệp cũng tin rằng không một ai là không đủ giỏi hay không đủ tốt, chỉ là chúng ta có tìm được những gì phù hợp với bản thân mình hay không.
Tuy nhiên, để hiểu rõ chính mình là một hành trình dài và cũng đầy gian nan. Hy vọng rằng những bài trắc nghiệm tính cách nêu trên sẽ hỗ trợ cho các bạn trên những bước đầu tiên. Chặng đường còn lại, hãy đi ra thế giới ngoài kia để ngắm nhìn và trải nghiệm nhiều hơn nhé.
Đọc thêm: Tìm hiểu về Chỉ số thông minh IQ và Trí tuệ cảm xúc EQ
One Response