Table of Contents
Business Case là một tình huống kinh doanh thường xuất hiện và được sử dụng làm đề bài trong các cuộc thi giải case thuộc chương trình Management Trainee của các công ty đa quốc gia như HSBC Challenge, P&G CEO Challenge,…. Ngoài ra, business case còn được dùng trong các vòng tuyển dụng ứng viên tài năng của các công ty, tập đoàn lớn.
Giải các dạng business case là việc đưa ra các đề xuất, giải pháp kinh doanh phù hợp dựa trên các dữ liệu đã được cung cấp. Bằng việc phân tích dữ liệu, từ đó làm rõ hoàn cảnh một dự án hay chiến dịch nào đó, nhằm đưa ra giải pháp và các hành động cụ thể cũng như xác định những yếu tố thành bại của giải pháp. Một đề bài đôi khi sẽ kết hợp các dạng business case trong cùng một case study. Khi đó, đòi hỏi mỗi người phải nắm thật rõ các dạng business case để đi tới cách giải phù hợp nhất cho từng đề bài.
1. Entering a new market (Thâm nhập thị trường mới) – Dạng business case phổ biến
Thâm nhập thị trường mới là bước phát triển thiết yếu trong chiến lược phát triển kinh doanh của bất kỳ công ty nào nhưng đây lại là một hướng đi tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi không ít sự táo bạo và sáng tạo. Qua quá trình lăn lộn trên thương trường, một công ty với những ý tưởng khởi nghiệp, hay kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh luôn đi kèm sự thâm nhập vào một thị trường mới.
Phần lớn các case study dạng này đều tập trung vào việc xây dựng chiến lược thâm nhập vào một thị trường mới thông qua các kế hoạch phân bổ và phân phối hàng hóa, dịch vụ của công ty đến thị trường này. Bằng chiến lược đó, công ty sẽ xác định được giải pháp nhằm tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng, xây dựng hình ảnh thương hiệu, thành công đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, gia tăng thị phần và tối ưu hóa lợi nhuận.
Ví dụ: Công ty đang sản xuất và cung cấp các sản phẩm về tóc và dưỡng tóc. Công ty muốn thâm nhập vào thị trường sản phẩm da và dưỡng da. Công ty nên xây dựng chiến lược như thế nào?
2. Industry Analysis and Competitive Response (Phân tích ngành và Chiến lược chặn nước đi của đối thủ)
Đây là một trong các dạng business case thường gặp, yêu cầu hiểu, đánh giá và phân tích một ngành và đối thủ cạnh tranh trong một ngành, bao gồm: sản xuất, dịch vụ, thương mại,…. Đề bài thường sẽ yêu cầu phân tích về một ngành cụ thể để từ đó, doanh nghiệp có thể nắm được tổng quan ngành cũng như các đối thủ cạnh tranh trong ngành đó.
Đồng thời, dạng này giúp hiểu được động lực cạnh tranh của ngành và dự đoán các bước đi của đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn: quy mô thị trường hiện tại, tăng trưởng thị trường dự kiến, lợi thế hay rào cản gia nhập ngành, chiến lược đang sử dụng của các đối thủ cạnh tranh trong ngành, thị phần và cổ phiếu hiện tại của họ,…
Dạng business case này có vai trò quan trọng, nhằm mục tiêu đánh giá các đặc điểm của thị trường và xác định liệu đó có phải là một ngành hấp dẫn để tăng trưởng hay khả năng thoát ra dễ dàng hay không. Việc xem xét đối thủ cạnh tranh còn nhằm giúp doanh nghiệp lên kế hoạch ngăn chặn các nước đi của đối thủ trong tương lai.
Ví dụ: Công ty đang có ý định đầu tư vào ngành công nghiệp giải trí, lĩnh vực mà công ty có rất ít kiến thức về ngành. Vậy bạn cần phân tích những gì để đưa ra lời khuyên hiệu quả cho công ty?
3. Mergers and Acquisitions (Sáp nhập và Mua lại)
Case study dạng này là một trong các dạng business case đang rất thịnh hành trong thời gian gần đây khi Mergers and Acquisitions (M&A) đang trở thành xu hướng trong chiến lược kinh doanh của rất nhiều công ty. M&A được định nghĩa là hoạt động thâu tóm quyền kiểm soát một doanh nghiệp thông qua việc mua lại hay sáp nhập hai hay nhiều doanh nghiệp để sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó.
Khi một công ty trở thành một chủ sở hữu mới của một công ty khác và tiếp quản nó thì được gọi là giao dịch mua lại. Trong khi đó, việc sáp nhập xảy ra khi hai công ty có quy mô tương tự, đồng ý hợp nhất thành một công ty duy nhất và trở thành một chủ thể với tư cách pháp nhân mới.
Dạng này giúp tối ưu chi phí của doanh nghiệp mới thông qua giảm nhân viên, cắt giảm các bộ phận, phòng ban không phù hợp, sở hữu công nghệ mới khi các công ty con nhỏ hơn được mua lại hay sáp nhập với những công nghệ độc đáo. M&A giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh của mình, qua đó, gia tăng thị phần, cải thiện khả năng hiện diện và tiếp cận thị trường mới,….
Ví dụ: Thương vụ sáp nhập giữa Vingroup và Masan là một thương vụ điển hình của dạng business case M&A. Hãy phân tích thương vụ này và đưa ra các đề xuất kinh doanh hiệu quả.
4. Developing a new product (Phát triển sản phẩm mới)
Phát triển sản phẩm mới cũng là một trong các dạng business case điển hình. Dạng business case này yêu cầu xác định và đánh giá tính khả thi của một sản phẩm sắp ra mắt. Sản phẩm mới này có thể là một sản phẩm hoàn toàn mới hoặc được cải biến từ một sản phẩm sẵn có của công ty. Phát triển sản phẩm mới là một trong những chiến lược quan trọng, giúp công ty đạt được mục tiêu tăng trưởng và duy trì khả năng cạnh tranh của mình.
Ví dụ: Một công ty dự định phát triển một loại máy giặt “xanh” – an toàn với môi trường, sử dụng ít nước hơn 60% so với máy giặt tiêu chuẩn. Công ty này cần xác định tiềm năng của sản phẩm và chiến lược tung sản phẩm ra thị trường như thế nào?
5. Pricing Strategies (Chiến lược giá)
Chiến lược giá thực chất là việc tối ưu giá cả, đồng thời xác định mục tiêu và định hướng giá sản phẩm của công ty trong dài hạn. Dạng này là một trong các dạng business case thường gặp trong ngành Marketing. Thông thường, một doanh nghiệp sẽ sử dụng 2 chiến lược giá tùy vào từng bối cảnh thị trường, bao gồm:
- Chiến lược giá hớt váng. Đây là chiến lược ban đầu người bán đặt ra giá tương đối cao cho những sản phẩm mới để khai thác sức mua cao của người tiêu dùng để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
- Chiến lược giá thâm nhập. Ban đầu, doanh nghiệp định giá tương đối thấp cho sản phẩm mới để khuyến khích sức mua của người tiêu dùng nhằm nhanh chóng mở rộng thị trường và tăng khối lượng tiêu thụ. Chiến lược này thường nhằm mục tiêu dẫn đầu về thị phần của doanh nghiệp sau một thời gian thực hiện.
Ví dụ: Một công ty phát triển một gói phần mềm AI tự động viết kịch bản phim. Làm thế nào để định giá sản phẩm này và nên sử dụng chiến lược giá nào cho nó?
6. Growth Strategies (Chiến lược tăng trưởng)
Chiến lược tăng trưởng được thực hiện nhằm tối ưu hóa các nguồn lực nội bộ của doanh nghiệp, từ đó đề ra giải pháp giúp một công ty phát triển kinh doanh. Các mục tiêu thường được xem xét trong các case study liên quan đến chiến lược tăng trưởng bao gồm: tăng doanh số bán hàng, đạt được mức độ tăng trưởng ở một khu vực nhất định,…. Chiến lược tăng trưởng được xem là một trong các dạng business case đòi hỏi người giải quyết phải thành thạo nhiều dạng business case khác như: thâm nhập thị trường mới, chiến lược giá,…
Ví dụ: Tập đoàn X đang có đội ngũ nhân viên có năng lực chuyên môn rất tốt, đồng thời họ có lượng dự trữ tiền mặt rất lớn. Tập đoàn này nên làm gì để tận dụng hiệu quả những nguồn lực nội bộ hiện tại?
7. Starting a new business (Khởi sự kinh doanh)
Dạng business case này xuất hiện khi một công ty đang phát triển một sản phẩm hoặc công nghệ mới, dự kiến sẽ mang lại đột phá cho một thị trường hoặc ngành cụ thể. Đây là một trong số các dạng business case không phân biệt quy mô của doanh nghiệp, mà chủ yếu quan tâm đến hướng kinh doanh của nó với mục tiêu chủ yếu là “mới” và “sáng tạo”. Ngoài ra, cần lưu ý nắm rõ mô hình 4Ps vì giải case về khởi sự kinh doanh thường sử dụng tới mô hình này để phân tích.
Ví dụ: Hai doanh nhân dự tính phát triển một công việc kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNTT nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng tăng trên thế giới. Hãy thảo luận về những vấn đề mà hai doanh nhân này nên cân nhắc.
8. Increasing Sales (Tăng doanh số bán hàng)
Đây là một trong các dạng business case liên quan đến Business Operations (Hoạt động kinh doanh). Đồng thời, Increasing Sales là một bài toán mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải quan tâm và đưa ra các giải pháp thường xuyên thông qua các chiến dịch nhằm tối đa hóa lợi nhuận thu về của doanh nghiệp.
Các case study xuất hiện trong dạng này thường đòi hỏi các bước phân tích tối ưu hóa giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, thúc đẩy các kênh bán hàng, phát triển hoạt động PR, quảng cáo, thay đổi giá linh hoạt và tăng cường kết nối, cải thiện quan hệ với khách hàng,…
9. Reducing Costs (Giảm thiểu chi phí)
Đi kèm với Increasing Sales, Reducing Costs là hoạt động kinh doanh thách thức các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn. Reducing Costs đòi hỏi công ty phải đưa ra các quyết định phát triển tùy thuộc vào dịch vụ hay sản phẩm mà công ty cung cấp.
Mỗi quyết định giảm thiểu chi phí thường mang lại những lợi ích lớn cho doanh nghiệp như: kiểm soát dòng tiền hiệu quả hơn, tối ưu hoạt động kinh doanh,…. Tuy nhiên, giảm thiểu chi phí cần đi kèm với đảm bảo không thay đổi chất lượng sản phẩm hay dịch vụ. Do đó, mỗi quyết định đều được cân nhắc rất kỹ càng trước khi đưa ra.
10. Turnarounds (Cải tổ doanh nghiệp / Tái cấu trúc doanh nghiệp)
Dạng business case “Turnarounds” được hiểu là một quá trình được thực hiện nhằm phục hồi một doanh nghiệp. Dạng này thường được đưa ra xem xét với các doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, mong muốn cải tổ chúng thành các doanh nghiệp có khả năng thanh toán và hùng mạnh trở lại.
Để giải case study trong dạng này, yêu cầu người giải phải đi xem xét đánh giá hoạt động quản lý, phân tích chi phí hoạt động của công ty, tìm ra các điểm yếu kém để phát hiện nguyên nhân cốt lõi dẫn tới thất bại của doanh nghiệp. Khi việc đánh giá và phân tích đã hoàn thành, bài Case Study sẽ đưa ra một kế hoạch tái cấu trúc và một chiến lược dài hạn.
11. Lời Kết
Có rất nhiều cách phân loại các dạng business case, và sẽ rất khó khăn cho những ai mới bắt đầu tìm hiểu về chúng. Với 10 dạng business case phổ biến, hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn góc nhìn cụ thể nhất về các dạng business case thường gặp. Bài viết tiếp theo sẽ hướng dẫn các bạn về các bước giải các dạng business case này. Hãy đón chờ nhé!
Đọc thêm: Framework giải case interview thường gặp