Đối với những bạn sinh sinh viên có dự định tham gia các chương trình quản trị viên tập sự của các tập đoàn đa quốc gia hay muốn ứng tuyển vào các công ty tư vấn quản trị thì việc trang bị những kỹ năng giải business case là điều vô cùng cần thiết. Bởi business case là một phần không thể thiếu trong các vòng thi tuyển nhằm đánh giá năng lực và khả năng giải quyết vấn đề của bạn.
Trong bài viết này, Anh Chú Hướng Nghiệp sẽ bật mí 4 kỹ năng giải business case mà các bạn cần tìm hiểu và trau dồi. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Table of Contents
1. Tư duy phản biện – Vũ khí lợi hại đánh bại Business Case
Tư duy phản biện (Critical Thinking) đề cập đến khả năng suy nghĩ rõ ràng và có lập luận đúng đắn về những điều mà bạn tin tưởng và những gì mà bạn đang làm. Hiểu một cách đơn giản, tư duy phản biện là kỹ năng giải business case giúp bạn chủ động hệ thống hóa và xử lý thông tin để hiểu rõ bản chất của vấn đề hơn, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn hơn cho doanh nghiệp.
Business case thường rất dài và đôi khi chứa những thông tin thừa nên giải case đòi hỏi bạn phải chủ động trong việc đọc và tìm hiểu thông tin. Đây là kỹ năng giải business case cần thiết giúp bạn đưa ra những câu hỏi để chọn lọc thông tin và tìm ra vấn đề cần giải quyết.
Cách đặt câu hỏi
Có vô số câu hỏi mà bạn có thể đặt ra. Điều quan trọng là những câu hỏi đó phải cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện và cụ thể hơn về dữ liệu, thông tin mà bạn đã có. Bạn có thể tham khảo 6 bước và các câu hỏi tương ứng khi giải case dưới đây:
- Đọc phần đầu và phần cuối của case và xác định đâu là những gợi ý về tình huống mà bạn cần giải quyết?
- Đọc lướt những phần còn lại để xác định những thông tin mà case đã cung cấp bao gồm những nội dung gì?
- Dựa vào những thông tin đã thu thập được, suy nghĩ xem vấn đề chính mà case đề cập là gì? Doanh nghiệp cần làm gì? Đâu là thông tin thừa trong đề?
- Suy nghĩ về những thông tin cần biết để có thể giải quyết tình huống đã nêu. Liệt kê những tiêu chí cần thiết
- Đọc lại case 1 lần nữa và đánh dấu hoặc ghi chú lại những phần liên quan đến các tiêu chí đã liệt kê ở bước trên.
- Tiến hành “đào sâu” case – đọc và phân tích những nội dung đã tìm được 1 cách cẩn thận. Trong quá trình phân tích, hãy cố gắng dựa vào những thông tin đã biết để tìm ra vấn đề thực sự mà bạn cần giải quyết là gì?
2. Kỹ năng phân tích dữ liệu – Kim chỉ nam khi giải Business Case
Trong số các kỹ năng giải business case, phân tích dữ liệu đóng vai trò chủ đạo trong việc làm sáng tỏ vấn đề cần phải giải quyết. Việc đọc case có hệ thống giúp cho người giải có thể xác định được mục đích rõ ràng cho việc phân tích của mình, hạn chế lan man và không đi lạc đề.
Thông thường, việc phân tích sẽ gắn liền với các mục đích có phạm vi thu hẹp dần qua từng bước, ví dụ:
- Bước 1: Xác định tình huống chính
- Bước 2: Xác định những lựa chọn cần phải đưa ra
- Bước 3: Liệt kê những tiêu chí cần thiết để lựa chọn, đánh giá vấn đề (điều kiện tài chính, lợi nhuận,…)
- Bước 4: Bằng chứng, số liệu liên quan đến tiêu chí đã nêu
- Bước 5: Phân tích các bằng chứng, số liệu trên
- Bước 6: Xác định lựa chọn tối ưu nhất dựa vào thông tin đã phân tích
Kết quả của quá trình phân tích là thông tin, số liệu, suy luận để có thể giải quyết vấn đề chính. Vì vậy cần có phương pháp phân tích đúng trọng tâm, nếu không bài phân tích sẽ rời rạc và khó có thể đem lại giải pháp hợp lý.
3. Kỹ năng nghiên cứu – Hành trang không thể thiếu khi giải case
Kỹ năng nghiên cứu đề cập đến khả năng của 1 cá nhân trong việc tìm kiếm và đánh giá những thông tin hữu ích liên quan đề vấn đề đang cần giải quyết. Đây là kỹ năng giải business case không thể thiếu trong quá trình phân tích và đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp.
Khi đối mặt với business case, kỹ năng nghiên cứu sẽ giúp bạn:
- Xác định vấn đề đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp
- Đưa ra các giải pháp khả thi cho những vấn đề đó
- Đánh giá các nguồn lực và cách tốt nhất để sử dụng các nguồn lực đó để tăng hiệu quả công việc
- Xác định nhu cầu của khách hàng mục tiêu để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu đó thông qua các sản phẩm và dịch vụ
- Luôn cập nhật xu hướng ngành và nhu cầu thị trường
4. Kỹ năng giải quyết vấn đề – Kỹ năng vàng trong làng giải case
Kỹ năng giải quyết vấn đề là một trong các kỹ năng giải business case quan trọng nhất. Giải quyết vấn đề hiệu quả thường bao gồm làm việc thông qua 1 số bước hoặc giai đoạn, chẳng hạn như các bước được nêu dưới đây:
4.1. Giai đoạn 1: Xác định vấn đề
Giai đoạn này bao gồm: phát hiện vấn đề, xác định bản chất của vấn đề. Giai đoạn xác định vấn đề nghe có vẻ hiển nhiên nhưng nó thường đòi hỏi bạn phải suy nghĩ và phân tích kỹ thông tin. Kỹ năng tư duy phản biện là công cụ đắc lực giúp bạn dễ dàng vượt qua giai đoạn này.
4.2. Giai đoạn 2: Phân tích vấn đề
Sau bước xác định vấn đề, bạn cần phân tích vấn đề nhằm thu thập thêm thông tin về case và tăng cường hiểu biết. Giai đoạn này bao gồm cả việc tìm kiếm và phân tích thực tế, xây dựng 1 bức tranh toàn diện hơn về cả các mục tiêu cần đạt được và các rào cản cần vượt qua.
4.3. Giai đoạn 3: Tìm kiếm các giải pháp khả thi
Từ thông tin thu thập được trong 2 giai đoạn đầu tiên, bây giờ là lúc bắt đầu suy nghĩ về các giải pháp khả thi cho vấn đề đã xác định. Trong giai đoạn này, hãy tạo ra 1 loạt các tình huống và giải pháp có thể xảy ra.
4.4. Giai đoạn 4: Đưa ra quyết định
Đây có lẽ là phần phức tạp nhất của quá trình giải quyết vấn đề. Hãy đưa ra quyết định về hướng hành động bạn cần thực hiện dựa trên những thông tin đã thu thập và giải pháp khả thi ở các giai đoạn trước.
5. Lời kết
Có thể nói, nếu bạn chỉ nắm rõ các bước giải case thôi là chưa đủ bởi các vòng thi giải case diễn ra trong thời gian rất ngắn. Vì vậy, việc trang bị những kỹ năng giải business case sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian và đem lại hiệu quả cao trong việc đề xuất các giải pháp cho doanh nghiệp.
Đọc thêm: Quy trình giải business case cho người mới bắt đầu