Có một cuộc khủng hoảng không hề nhỏ mà chúng ta sẽ gặp phải khi bước vào những năm tháng tuổi 20. Đó là phải từ bỏ thói quen tìm lời giải mẫu cho mọi vấn đề.
Đó là một thói quen rất khó bỏ. Bởi suốt 12 năm ăn học, chúng ta đã quen với việc đi theo những con đường được cha mẹ, thầy cô vạch sẵn. Những cuộc thi là sự cạnh tranh xem ai học thuộc lòng sách giáo khoa giỏi hơn. Toán, Lý, Hóa luôn chỉ có một đáp án đúng.
Văn mẫu là nhất.
Mọi chuyện có thể vẫn ổn cho tới tận khi chúng ta lên đại học, rồi sắp ra trường, rồi kiếm việc. Khi đó, cuộc khủng hoảng mới thực sự bắt đầu.
Đột nhiên, chẳng ai có thể nói cho chúng ta ngành học nào là tốt nhất. Không ai có thể viết hộ cho chúng ta CV. Và chẳng có người sếp nào ngồi soạn đáp án trước khi giao việc cho chúng ta cả.
Tự đưa ra những quyết định quan trọng trong hoàn cảnh không có lời giải mẫu là điều mà chúng ta bắt buộc phải làm quen khi trưởng thành. Ban đầu, chúng ta sẽ rất sợ tự quyết định vì sợ sai.
Nhưng thử nghĩ lại xem, nếu không có lời giải mẫu, thì liệu có đúng sai tuyệt đối?
Và đó là bí quyết để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Không còn lời giải mẫu, chúng ta sẽ tự do hơn trong việc tạo ra lời giải của riêng mình. Trên hành trình đó, chúng ta có thể thử nhiều cách mà không sợ thất bại. Bởi không còn đúng sai, chỉ còn hợp hay không hợp.
Học hành, sự nghiệp, tình yêu – tất cả đều trở nên ý nghĩa hơn khi chúng ta tự tin vào lời giải của riêng mình. Có thể, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đến lời giải hoàn hảo nhất. Và đó là điều rất bình thường.
Nhưng cũng rất có thể, lời giải hoàn hảo nhất chính là con đường mà chúng ta đang đi.