Anh chú hướng nghiệp

“Kim Cương Hay Cái Ống Vỡ?” Và Cách Vượt Qua Áp Lực Ở Đại Học

ap-luc-o-dai-hoc-feature

Cầm giấy báo trúng tuyển trong tay với biết bao kỳ vọng về một quãng đời sinh viên tươi đẹp, nhưng những mộng tưởng ấy bỗng phút chốc vỡ tan trong một môi trường xa lạ với phong cách học tập, làm việc và sinh hoạt khác hẳn với bậc phổ thông. Gần như cùng một lúc, các áp lực ở đại học xuất hiện và trở thành những gánh nặng ám ảnh của mỗi sinh viên: áp lực điểm số, áp lực đồng trang lứa, áp lực tài chính, áp lực từ những “deadlines” nối tiếp nhau không ngơi nghỉ,…

Nói đến hai chữ “áp lực” vô cùng đáng sợ ấy, huyền thoại bóng rổ người Mỹ Robert Horry từng có câu nói nổi tiếng thế này: Áp lực có thể làm vỡ ống, hoặc áp lực cũng có thể tạo ra kim cương.”

Vậy làm sao để mỗi sinh viên có thể trở thành kim cương, chứ không phải một cái ống vỡ vì những áp lực ở đại học? Nếu bạn cũng đang loay hoay với câu hỏi ấy, hãy dành ra đôi phút tham khảo một số gợi ý sau từ Anh Chú nhé!

1. Lắng nghe bản thân

Sở dĩ cái ống thì vỡ còn các nguyên tử carbon lại biến thành kim cương đơn giản vì đặc tính nói chung và sức chịu đựng áp lực nói riêng của chúng là khác nhau. Con người cũng như thế, không có một thước đo tiêu chuẩn nào cho việc đối mặt với những gánh nặng trong cuộc sống. Không phải cứ thức đến 12h đêm mỗi ngày để làm bài là nỗ lực, không phải cứ phải tham gia tất tần tật các hoạt động ở trường đại học mới là năng động và tháo vát.

ap-luc-o-dai-hoc-1

Để hạn chế áp lực, chúng ta cần để bản thân lên tiếng. Nếu không chịu được khối lượng công việc đồ sộ một cách liên tục, hãy chia nhỏ chúng ra, nhờ đến sự hỗ trợ của bạn bè và hạn chế nhận thêm việc khác khi không thực sự cần thiết. Nếu là kiểu người hoạt động năng suất hơn dưới áp lực, ta có thể cho phép thời gian biểu của mình “cồng kềnh” một chút. Và nếu não bộ hoạt động tốt hơn vào khoảng 4h sáng, hãy đi ngủ sớm và dành thời gian học bài mỗi lúc bình minh. 

Bên cạnh đó, ta cũng cần tự xác định rõ những áp lực mình đang gặp phải là gì, và nguyên nhân thực sự đến từ đâu để có thể tìm được cách giải quyết phù hợp nhất. Áp lực ở đại học là việc bất cứ ai cũng phải trải qua, thế nên hãy thành thật với chính mình, không có gì phải e ngại bạn nhé.

2. Tìm kiếm ý nghĩa và tận hưởng niềm vui trong mỗi việc mình làm

ap-luc-dai-hoc-enjoy-your-life

Đừng học và hoạt động ngoại khóa chỉ vì thành tích hay những con số cụ thể nào đó, hãy học và tham gia hoạt động bằng chính sự say mê kiến thức và khát vọng cống hiến cho cộng đồng. Chỉ khi thay đổi tư duy và tầm nhìn như thế, những áp lực ở đại học mới được hạn chế dần đi, và quan trọng hơn, những thành tích và con số kia cũng sẽ thực sự được cải thiện.

Với mục đích “làm đẹp CV” mà rất nhiều sinh viên đang hướng đến, đa số các bạn dường như đang làm ngược lại với ý nghĩa thực sự của việc học đại học trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Các bạn xem trọng một đích đến còn mơ hồ hơn là hành trình trước mắt. Thế là cuộc sống của bạn dường như chỉ có những điểm mốc hạnh phúc nhất định là các đích đến kia, còn lại là những tháng ngày dài đằng đẵng phải mỏi mệt chạy đua cùng người khác.

Nhưng liệu chúng ta có thể mang đến cho người khác điều mà chính mình cũng chẳng có không? Một bài tiểu luận được hoàn thành trong tâm trạng đầy chán nản không thể nào có được những điểm độc đáo và đột phá so với sinh viên khác. Một sự kiện được nhào nặn bởi những khối óc và bàn tay mỏi mệt sao có thể truyền tải năng lượng tích cực hấp dẫn nào đến cộng đồng? 

Vậy nên, một sự thật không thể chối cãi rằng những áp lực đè nặng liên tiếp sẽ dần kéo giảm hiệu quả công việc của chúng ta. Ai cũng muốn một thời sinh viên “máu lửa”, nhưng cái máu lửa ấy không thể duy trì và tỏa sáng nếu thiếu đi những đam mê. Vì lẽ ấy, hãy luôn cố gắng tìm kiếm ý nghĩa, lòng nhiệt thành và một sứ mệnh đích thực trong mỗi việc mình làm ngay từ hôm nay.

3. Hiểu rằng mỗi người đều có một cuộc đời riêng

ap-luc-4

Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội cũng đi kèm với rất nhiều cuộc sống đáng mơ ước được vẽ ra. Đã bao giờ vào một ngày nọ bạn tự hỏi, trong khi bạn A đã trở thành thực tập sinh của một công ty nổi tiếng, bạn B đã nhận được suất trao đổi sinh viên đáng mơ ước, còn mình thì đang làm gì với cuộc đời của chính mình thế này? Không thể phủ nhận rằng những so sánh như thế là tâm lý tự nhiên, và đôi khi cũng là một động lực cần thiết đối với sự phát triển của mỗi người. Nhưng sự so sánh ấy rất dễ đi sai hướng, nhất là khi nó bắt đầu áp đặt lên chúng ta những thành kiến về thành công và sự thật bức tranh cuộc sống của người khác. 

Có một sự thật hiển nhiên nhưng hay bị lãng quên, rằng rất ít ai dám chia sẻ tất cả khía cạnh của mình lên mạng xã hội mà chỉ lựa chọn những gì đẹp đẽ nhất mà thôi. Đằng sau bao hào nhoáng ấy là những thất bại hoặc góc khuất như thế nào? Không một ai có thể biết rõ ngoài chính người đăng tải. Thế nên, không phải những người thành công chưa từng phải tuyệt vọng và mòn mỏi như bạn, và cũng không phải nếu bạn chưa có gì trong tay ở thời điểm này đồng nghĩa rằng bạn mãi mãi cũng chẳng có gì. Bởi lẽ, cuộc sống của mỗi người đều có một thời gian biểu với những cột mốc riêng. Evan Spiegel, CEO của Snapchat khởi nghiệp ở tuổi 25, Harry Potter phần đầu tiên được xuất bản khi J.K.Rowling đã 32 tuổi, thế nhưng có lẽ bạn cũng từng nghe đâu đó câu chuyện về ông già làm ở trạm phục vụ vô danh cho đến hơn nửa đời người, và mọi chuyện chỉ thay đổi khi ông quyết định biến những công thức rán gà của mình thành thương hiệu mang tên KFC. 

kfc-1

Vậy nên, chúng ta không thể lấy cuộc đời của bất cứ ai khác làm thước đo cho cuộc đời của chính mình. Chỉ cần bản thân bạn tự thấy rằng mình vẫn đang thực sự nỗ lực và cố gắng thì không có gì phải lo lắng và nôn nóng.

4. Hãy nhớ: Bạn không đi một mình!

Một trong những món quà mà năm tháng đại học mang đến cho mỗi người chúng ta không thể không kể đến những người đồng đội đầy trân quý. Đây chính là những mối quan hệ mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm được ở xã hội đầy khắc nghiệt ngoài kia.

friendship-1

Hãy chủ động kết nối và tìm cho mình những mối quan hệ thân thiết dưới mái trường đại học. Ngoài những người bạn cùng lớp, cùng phòng, bạn có thể tham gia các câu lạc bộ, dự án, chuyến đi tình nguyện, kế hoạch trao đổi sinh viên để tìm thêm người cùng chí hướng. Khi ấy, bao giây phút cô đơn, mỏi mệt từ áp lực ở đại học sẽ tự vơi đi lúc nào không hay, vì bên cạnh bạn giờ đây đã và đang có những người bạn luôn sẵn sàng sát cánh, giúp đỡ lúc khó khăn cũng như sẻ chia với bạn mọi niềm vui, nỗi buồn.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: “Gắn kết đội nhóm, khó hay dễ?”

Bạn cũng có thể tận dụng khoảng thời gian trên đại học này để tìm kiếm cho mình những người anh, người chị đi trước, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn quan tâm hoặc liên quan đến những dự định của bạn sau khi tốt nghiệp đại học, hay còn gọi là những mentor. Họ chính là người sẽ giúp đỡ cho bạn rất nhiều trong việc định hướng và đưa ra lời khuyên đối với những vấn đề và áp lực bạn mà đang gặp phải.

family-1

Và cũng đừng quên sự hiện diện của gia đình nhé. Dẫu ngoài kia có sóng gió đến đâu, gia đình vẫn sẽ luôn chào đón bạn trở về. Muốn đỡ đần gia đình là rất tốt, nhưng cũng đừng ngại ngần sẻ chia với họ khi gặp khó khăn. Trưởng thành nào có đồng nghĩa rằng bạn phải bay đi xa, một mình chịu đựng và gồng gánh cả gia đình. Trên thực tế, trưởng thành còn bao gồm việc thấu hiểu và sẻ chia nhiều hơn giữa những thành viên. Một cái ôm, vài mẩu chuyện nhỏ trong bữa cơm gia đình hoặc một cuộc điện thoại về nhà nếu ở xa hẳn sẽ giúp bạn nhẹ nhõm đi rất nhiều, và nguồn năng lượng để tiếp tục đương đầu với thách thức trước mắt bạn cũng sẽ được “sạc đầy” nhanh chóng đấy!

5. Quản lý thời gian có hiệu quả

Mỗi một người chúng ta, bất kể là sinh viên, người đi làm hay một ông trùm tư bản, đều chỉ sở hữu 24 giờ một ngày, không hơn không kém. Thế nên, không thể nói rằng ta không đủ thì giờ để làm việc này việc kia như người khác, vấn đề nằm ở cách chúng ta quản lý thời gian, dành sự ưu tiên hợp lý cho những công việc quan trọng và tinh thần kỷ luật với chính mình. Nếu không thể thực hiện những điều trên, các bạn sinh viên dễ bị quá tải bởi vô số các áp lực ở đại học vào một khoảng thời gian nào đó, thường là những ngày cuối cùng cũng như dễ lâm vào tình trạng nỗ lực ảo.

Thời gian của bạn là do chính bạn quyết định. Và để quản lý nó có hiệu quả, thời gian mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm của bạn cần được cụ thể hoá bằng một kế hoạch. Kế hoạch ấy cần phải được phân chia rõ ràng cả về học tập trên lớp, hoạt động tự phát triển bản thân, công việc làm thêm (nếu có) và cả thời gian nghỉ ngơi giải trí. Kế hoạch càng rõ ràng, chi tiết, xác suất đạt được mục tiêu đề ra của bạn càng cao.

Để lên một kế hoạch học tập và làm việc phù hợp, các bạn cần lưu ý một số điểm sau:

5.1. Chia nhỏ mục tiêu lớn của mình thành những hoạt động cụ thể nhất

Ví dụ, mục tiêu lớn của bạn là theo học chương trình thạc sĩ ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp, hãy cụ thể hoá nó ra thành những cột mốc, yêu cầu theo từng năm, từng tháng, kết hợp với thực tế trước mắt để vạch ra những việc cần làm hàng ngày, linh hoạt giữa những gì chắc chắn phải làm, nên làm và làm nếu có thể. Đây chính là cách tránh cho bạn bị áp lực bởi chính mục tiêu lớn của mình. Những gì bạn cần làm tiếp theo là… quên mục tiêu lớn ấy đi! Giờ đây, bạn chỉ cần tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ mỗi ngày của mình mà thôi.

ap-luc-o-dai-hoc-7

“Thực tế trước mắt” được đề cập ở trên chính là deadline các công việc của bạn ở trường, câu lạc bộ, dự án hoặc nơi làm thêm. Hãy ghi chép lại cẩn thận những hạn cuối này để không quên và lẫn lộn các lịch với nhau. Bạn có thể note lên lịch giấy, dán giấy nhớ lên tường hoặc sử dụng các tiện ích khác Google Calendar, Notion, v.v… Sau đó, hãy phân chia deadline ra tuần tự các bước nhỏ và đặt lịch cụ thể cho mỗi bước, tránh trường hợp dồn toàn sức cố gắng làm hết từ đầu dẫn đến kiệt quệ và chán nản, hoặc để tới gần hạn chót mới hốt hoảng làm cho xong rồi kết quả chẳng ra sao, dần dần tạo ra cảm giác rằng khối lượng công việc đang quá lớn khiến bạn cảm thấy áp lực, dù rằng thực tế không phải như vậy.

5.2. Tham gia có chọn lọc những hoạt động ngoại khoá

Sức hấp dẫn từ những hoạt động này ở trường đại học đôi khi khiến các bạn sinh viên trở nên “tham lam”, không nỡ bỏ qua bất kỳ một hoạt động nào. Khi mới vào đại học, nhiều bạn ngay lập tức tham gia hai hoặc thậm chí là ba câu lạc bộ, kết quả là không hoàn thành tốt được công việc của các bên, thành tích học tập còn bị ảnh hưởng. Vậy nên, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đăng ký tham gia một hoạt động ngoại khoá nào đó, mà trước hết, hãy cân nhắc trên cơ sở thời gian biểu hiện tại của mình. Đừng vừa tự tạo thêm áp lực cho chính bản thân, vừa phải nhận những kết quả tiêu cực không đáng có nhé.

hoat-dong-ngoai-khoa

6. Kết

Anh Chú Hướng Nghiệp hy vọng rằng, với những chia sẻ trên, các bạn sinh viên sẽ có những thông tin hữu ích để vượt qua những áp lực tại môi trường đại học của mình. Không thể phủ nhận rằng áp lực là cần thiết cho quá trình phấn đấu và trưởng thành của mỗi người, song hãy chỉ giữ nó ở mức độ hợp lí, đừng để những áp lực ảnh hưởng đến hành trình trải nghiệm quý giá của bạn ở đại học hoặc tệ hơn là hủy hoại sức khoẻ tinh thần của bản thân. 

Hãy cứ là chính mình, giữ vững niềm tin, trân trọng những điều nhỏ nhoi và đẹp đẽ xung quanh, mỗi người trong chúng ta rồi sẽ trở thành những viên kim cương lấp lánh và đầy kiêu hãnh sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, chắc chắn là như thế!

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ nội dung bài viết:

Anh Chú Hướng Nghiệp (www.anhchuhuongnghiep.com)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp
Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dự án Anh Chú Hướng Nghiệp hiện thực hóa khát vọng giúp đỡ giới trẻ của Dương Trần – Thạc sĩ ĐH Harvard, Chuyên gia Tư vấn chiến lược.

Đọc thêm tại đây

Kết nối

Chủ đề

Đăng ký nhận newsletter

Đăng ký nhận newsletter

Nhận email cập nhật về các bài viết, tài liệu & sự kiện mới của Anh Chú Hướng Nghiệp