Trắc nghiệm hướng nghiệp là một công cụ hữu ích và khoa học dành cho các bạn học sinh, sinh viên trong hành trình định vị bản thân và định hướng nghề nghiệp. Trong số đó, không thể không kể đến trắc nghiệm Holland bởi tính đơn giản, chính xác và phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện giáo dục tại Việt Nam. Hãy cùng Anh Chú Hướng Nghiệp tìm hiểu về công cụ hữu ích này trong bài viết dưới đây nhé!
1. Đôi nét về trắc nghiệm Holland
Trắc nghiệm Holland còn được biết đến với các tên gọi khác như: trắc nghiệm sở thích Holland hay mật mã Holland (Holland Codes Test). Đây là mô hình lý thuyết nghề nghiệp do John Holland – nhà tâm lý học người Mỹ phát triển và đã được ứng dụng trong thực tiễn hướng nghiệp tại đông đảo các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trắc nghiệm Holland được ghi nhận bởi sự chính xác, chi tiết trong quá trình phân tích tính cách và sở thích giúp người thực hiện dễ dàng tìm ra ngành nghề phù hợp với bản thân.
Công cụ hướng nghiệp này được xây dựng dựa trên 6 luận điểm, 2 trong số đó có nội dung như sau:
– Hầu như ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 kiểu người, tương ứng với 6 nhóm ngành khác nhau trong xã hội, bao gồm:
- Realistic – Nhóm Kỹ thuật
- Investigative – Nhóm Nghiên cứu
- Artistic – Nhóm Nghệ thuật
- Social – Nhóm Xã hội
- Entrepreneur – Nhóm Quản lý
- Conventional – Nhóm Nghiệp vụ
– Những người làm việc trong môi trường tương tự như tính cách hầu hết sẽ thành công và hài lòng với công việc của họ.
Theo đó, bạn nên lựa chọn nghề nghiệp tương tự với nhóm tính cách của mình. Vậy làm thế nào để biết bản thân thuộc nhóm tính cách nào? Đừng lo lắng, thông qua việc trả lời những câu trắc nghiệm khám phá sở thích trong Holland Codes Test, thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp. Số lượng lớn câu trả lời bạn chọn nghiêng về nhóm nào thì bạn sẽ thuộc nhóm tính cách đấy. Từ đó, bạn chọn tối đa 3 nhóm có số điểm cao nhất, ghi nhớ kết quả này và đón đọc series bài giải mã các nhóm tính cách của Anh Chú Hướng Nghiệp để thấu hiểu bản thân và lựa chọn ngành nghề phù hợp nhé!
Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào việc làm trắc nghiệm Holland, bạn hãy “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” bằng cách đọc hết bài viết này nhé!
2. Tại sao nên sử dụng trắc nghiệm Holland trong hướng nghiệp?
Trắc nghiệm Holland được công nhận là sự lựa chọn lý tưởng khi hướng nghiệp cho học sinh ở giai đoạn phổ thông, thậm chí nhiều bạn sinh viên cũng dựa trên những nguyên tắc của lý thuyết để phục vụ công việc của mình.
Khi thực hiện trắc nghiệm Holland trong giai đoạn phổ thông, các bạn học sinh dễ dàng nhìn thấu các tính cách tiềm ẩn của mình và tập trung mài giũa năng lực của mình ở những môn học thế mạnh, cần thiết cho tương lai. Ở giai đoạn này, tìm kiếm ngành nghề phù hợp vô cùng quan trọng, bởi một định hướng rõ ràng sẽ giúp bạn hoạch định chiến lược phát triển bản thân rõ ràng hơn, không lo lắng hoặc phí thời gian và tiền bạc vào những mục tiêu không xác đáng.
Tính chính xác và khoa học của trắc nghiệm Holland đã được công nhận rộng rãi bởi nhiều giáo viên, các chuyên gia tâm lý, thậm chí là các học giả, nhà khoa học trên thế giới. Bởi vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng đây không phải là một bài kiểm tra may rủi mà thực chất là một công cụ giúp bạn định hướng bản thân rõ ràng hơn.
3. 6 nhóm tính cách trong trắc nghiệm Holland
3.1. Nhóm Nhóm người Thực tế (Realistic)
– Đặc điểm: Những người thuộc nhóm thực tế thích làm việc với đồ vật (dụng cụ, máy móc, thiết bị), động vật hoặc cây cối. Họ thường được mô tả là những người thực tế, khiêm tốn, kiên trì và trung thực. Họ cũng có xu hướng quyết đoán, cạnh tranh, và thích thú với các hoạt động cần nhiều sự vận động cơ thể, các kỹ năng và sức mạnh thể lực. Họ tiếp cận với việc giải quyết vấn đề bằng cách làm các công việc thực tế, rõ ràng, có thể nhìn thấy được quá trình và kết quả, hơn là chỉ nói về vấn đề hay ngồi suy nghĩ về vấn đề. Họ cũng thích các cách giải quyết cụ thể, mang tính ứng dụng cao hơn những lý thuyết trừu tượng. Sở thích của họ có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực khoa học tự nhiên hay vật liệu, cơ khí, hơn là các khía cạnh văn hóa và nghệ thuật.
– Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Sử dụng và vận hành các dụng cụ, thiết bị, máy móc
- Xây dựng, chế tạo, thiết kế, sửa chữa, bảo trì, đo đạc
- Làm các công việc thủ công và chi tiết, cần hoạt động thể chất nhiều
- Làm việc với đồ vật, động vật hoặc thực vật
3.2. Nhóm người Nghiên cứu (Investigative)
– Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Khám phá thích làm việc với ý tưởng và dữ liệu. Họ thường được mô tả là những người có tư duy logic, tò mò, cẩn thận, độc lập, thông minh, khiêm tốn và trầm tính. Khi giải quyết vấn đề, họ thường đặt nhiều câu hỏi, suy nghĩ và quan sát, sau đó tổng hợp dữ liệu, tổ chức và phân tích thông tin. Họ cũng thích làm việc độc lập, thích các hoạt động cá nhân hoặc làm việc trong nhóm nhỏ hơn là các hoạt động cần sự tham gia của nhiều người.
– Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Suy nghĩ logic, phân tích, tính toán
- Giao tiếp chủ yếu thông qua viết hoặc trình bày để giải quyết vấn đề
- Thiết kế, chẩn đoán, đặt vấn đề, thí nghiệm, điều tra
3.3. Nhóm người Nghệ thuật (Artistic)
– Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Nghệ thuật thích làm việc với ý tưởng và sự sáng tạo. Họ thường được mô tả là cởi mở, sáng tạo, độc đáo, nhạy cảm, bốc đồng và khác biệt. Họ không thích tuân theo các quy tắc và luật lệ hay làm các công việc lặp đi lặp lại, mà có hứng thú với các công việc có tính mới mẻ, cần vận dụng khả năng sáng tạo để giải quyết vấn đề hay tạo ra sản phẩm. Do vậy họ thường cảm thấy hứng thú và bị thu hút với các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, thẩm mỹ…
– Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Tạo ra các sản phẩm có tính nghệ thuật, thẩm mỹ, sáng tạo
- Trình bày, viết, vẽ, ca hát, biểu diễn, nhảy múa
- Lên kế hoạch, soạn thảo, thiết kế
3.4. Nhóm người Xã hội (Social)
– Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Xã hội thích làm việc với con người, họ cảm thấy hứng thú với việc giúp đỡ những người xung quanh hay làm các công việc giảng dạy, đào tạo, huấn luyện. Họ thường được mô tả là những người tốt bụng, có trách nhiệm, ấm áp, hợp tác, thân thiện, tốt bụng, hào phóng và kiên nhẫn. Họ có xu hướng tìm kiếm cũng như hình thành các mối quan hệ gần gũi với những người xung quanh.
– Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Giao tiếp bằng lời nói hay viết
- Chăm sóc và hỗ trợ, đào tạo, giảng dạy
- Gặp gỡ, giao lưu, phỏng vấn
3.5. Nhóm người Quản lý (Enterprising)
– Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Quản lý thích làm việc với ý tưởng và con người. Họ thường được mô tả là dễ gần, năng động, lạc quan, quảng giao, liều lĩnh và tự tin. Họ có khả năng giao tiếp tốt và có thể sử dụng năng lực này để thuyết phục, thương lượng, tạo ảnh hưởng lên người khác, thuyết trình, lãnh đạo hay quản lý một đội nhóm vì một mục tiêu chung. Họ cũng coi trọng các giá trị như danh tiếng, quyền lực và địa vị xã hội.
– Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Bán hàng, kinh doanh, quảng cáo, phát triển ý tưởng
- Thương lượng, thuyết phục, thuyết trình
- Quản lý, tổ chức, lãnh đạo, lên kế hoạch
3.6. Nhóm người Công chức – Nghiệp vụ (Conventional)
– Đặc điểm: Những người thuộc nhóm Công chức thích làm việc với dữ liệu, con số và văn bản, giấy tờ. Họ thường được mô tả là những người thực tế, cẩn thận, năng suất, tổ chức và kiên trì. Họ cảm thấy thoải mái với các luật lệ, quy định, và các hoạt động mang tính ổn định, do vậy phù hợp làm việc trong các môi trường có tính cấu trúc cao và sự tổ chức chặt chẽ. Họ cũng coi trọng các giá trị như danh tiếng, quyền lực và địa vị xã hội.
– Một số kỹ năng thường được sử dụng:
- Đánh máy, soạn thảo, lưu trữ, phân loại, tổ chức, sắp xếp
- Chú ý tới các chi tiết, quản lý tài chính, tính toán
4. Lời kết
Trắc nghiệm Holland là công cụ giúp bạn kết nối các đặc điểm mang tính cá nhân với nghề nghiệp mà bạn đang tìm kiếm. Ngoài ra, bằng việc nhận diện xu hướng nghề nghiệp điển hình của bản thân, bạn sẽ có khả năng phát huy được tối đa tiềm năng và thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, để có được thông tin đa chiều và khách quan hơn, bạn cũng nên kết hợp trắc nghiệm Holland với một số bài kiểm tra khác hoặc tham gia các buổi hội thảo hướng nghiệp do các trường đại học tổ chức. Sự lựa chọn luôn nằm trong tầm tay bạn, đừng để những kết quả này khiến bạn chùn bước nếu như bản thân đã có định hướng khác nhé!