Anh chú hướng nghiệp

Candidate-led Case Interview là gì?

candidate-led case interview

Table of Contents

Nếu bạn là người chỉ vừa mới bước chân vào thế giới của ngành tư vấn quản trị chưa lâu hoặc còn đang hào hứng tìm hiểu về công việc thú vị này, có lẽ bạn sẽ thấy choáng ngợp vì có rất nhiều khái niệm mình cần học hỏi. Từ Fit interviews, case interviews, framework cho tới 80/20 và giờ là Candidate-led case interview

Bài viết này chắc hẳn sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn và giải quyết “tất tần tật” những thắc mắc liên quan đến Candidate-led case interview như: Candidate-led case interview là gì? Vì sao các tập đoàn nổi tiếng lại sử dụng phong cách phỏng vấn này? Và bạn cần làm gì để “ăn điểm” nếu gặp phải tình huống này?… Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Candidate-led case interview là gì?

Có thể bạn đã biết, case interview là vòng thi cuối cùng bạn cần thông qua để chính thức bước chân vào ngành tư vấn quản trị (Management Consulting). Tại vòng thi cuối cùng này, thông thường các tập đoàn tư vấn quản trị hàng đầu sẽ phỏng vấn bạn theo hai phong cách, đó là Candidate-led và Interviewer-led case interview. Khái niệm đầu tiên sẽ được ưu tiên giải đáp trong khuôn khổ bài viết này.

candidate-led case interview

Candidate-led hay Interviewee-led case interview tạm dịch là buổi phỏng vấn tình huống do ứng viên dẫn dắt, đề cập tới việc ứng viên sẽ đóng vai trò như người dẫn dắt buổi phỏng vấn trong suốt quá trình giải case, từ việc đưa ra cấu trúc chính để tiếp cận vấn đề cần phân tích cho đến việc tìm ra những khuyến nghị cuối cùng về giải pháp để giải quyết case study.

Candidate-led case interview được sử dụng để kiểm tra khả năng giải quyết một vấn đề vĩ mô của ứng viên. Bạn có thể sẽ được hỏi những câu như:

“Khách hàng của bạn đang xem xét đến việc thâm nhập thị trường Thái Lan, bạn nghĩ rằng khách hàng của bạn nên làm gì?”

Hoặc,

“Khách hàng là một công ty bảo hiểm lớn đang mất dần lợi nhuận trong 2 năm qua. Hãy đưa ra những nguyên nhân và giải pháp giúp công ty phục hồi lợi nhuận trở lại.”

Trong suốt buổi phỏng vấn được tiến hành theo phong cách này, bạn vẫn có thể sẽ bị ngắt lời bởi người phỏng vấn cho một câu hỏi cụ thể, tuy nhiên, nhìn chung, người phỏng vấn vẫn sẽ để cho bạn tự dẫn dắt xuyên suốt phần trình bày của mình. Trong Candidate-led case interview, bạn sẽ được mong đợi trở thành người “lead case” từ đầu đến cuối – giống như việc khách hàng sẽ mong đợi bạn làm điều tương tự khi bạn trở thành một tư vấn viên thực thụ. 

Người phỏng vấn muốn biết rằng liệu bạn có thể tự xử lý toàn bộ quy trình và giải quyết vấn đề trơn tru từ đầu đến cuối hay không, vì thế, phong cách phỏng vấn này mới được gọi là Candidate-led case interview – ứng viên sẽ là “nhân vật chính” dẫn dắt buổi phỏng vấn.

2. Candidate-led case interview – Hình thức mới lạ nhưng “có võ”

Firms-with-candidate-led-case-interview

Đa số các công ty tư vấn quản trị sử dụng mô thức Candidate-led case interview bao gồm Bain, BCG, Parthenon, LEK, và Monitor / Deloitte, PWC…

Lý do những công ty này thường sử dụng phong cách phỏng vấn này là bởi họ có các trung tâm khu vực (regional hubs) và các nhà tư vấn của họ hiếm khi phải đi công tác cho các dự án bên ngoài khu vực ấy. Do đó, bất kể vấn đề mà khách hàng của họ gặp phải là gì, những chuyên gia tư vấn mà họ cần sẽ là những nhà tư vấn tại thị trường địa phương của họ, những người có thể đảm nhiệm việc giải quyết các vấn đề đó.

BCG hay Bain… cũng đều có cơ cấu nhân sự rất tinh gọn, vậy nên môi trường làm việc ở đây đòi hỏi tất cả nhân viên cần phải phát huy hết các thế mạnh của mình. Candidate-led case interview đã trở thành hình thức phỏng vấn chủ yếu ở những công ty này cũng là bởi ứng viên tiềm năng họ tìm cần phải có khả năng độc lập giải quyết các vấn đề và thích ứng nhanh trong mọi tình huống, kể cả khi không có một lộ trình hướng dẫn rõ ràng. Những người phỏng vấn muốn xem cách bạn xử lý vấn đề, rằng liệu bạn có thể thúc đẩy thành công những công việc được giao trong một khoảng thời gian giới hạn hay không.

Họ sẽ tự hỏi: “Liệu tôi có thể tin tưởng rằng, trong tương lai, đây sẽ là người giúp chúng tôi tìm ra giải pháp khả thi cho những vấn đề mà trước đây chúng tôi chưa từng gặp phải?”

Vậy nên, điều quan trọng khi sử dụng Candidate-led case interview là để xem xét cách bạn định hướng tình huống, thông qua đó, dự đoán sự thành công mà bạn có thể đạt được trong việc tự quản lý công việc của chính mình sau này. Đặc biệt là, việc lựa chọn phong cách phỏng vấn cũng thể hiện rất nhiều điều về văn hóa làm việc của các công ty.

3. Nếu Candidate-led case interview là 1 thách thức, lối đi nào cho “newbie”?

Để bẻ khóa thành công case study diễn ra trong suốt buổi phỏng vấn, bạn nên ghi nhớ những lưu ý sau:

  • Hiểu vấn đề: Dựa trên câu hỏi ban đầu, hãy đảm bảo rằng bạn hiểu đúng vấn đề và bối cảnh mà doanh nghiệp khách hàng đang gặp phải. Bạn cần nắm bắt một cách chi tiết những gì người phỏng vấn hỏi và đảm bảo thực hiện đúng những mục tiêu cần đạt được. Vì vậy, bạn được phép hỏi người phỏng vấn đề làm rõ đề bài, nhưng chỉ nên hỏi tối đa 3 câu, và chúng nên hướng tới một mục đích cụ thể, ví dụ hỏi khi chưa rõ một khái niệm mới nào đó hay nhằm xác định phạm vi của đề bài.
  • Bố trí cấu trúc: Thông qua những nguồn thông tin bạn nhận được từ đề bài, hãy thiết lập một cấu trúc phù hợp để giải quyết case. Ví dụ: nếu bạn đang cần giải quyết vấn đề liên quan tới lợi nhuận công ty, hãy thiết lập cơ cấu lợi nhuận. Cấu trúc của bạn sẽ giúp bạn định vị lĩnh vực bạn cần giải quyết.
  • Tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng: Hãy đào sâu vào các giả thuyết của bạn để tìm ra những giải pháp khả thi, đừng chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề. 
  • Theo dõi tất cả dữ liệu: Người phỏng vấn thường sẽ quan tâm hơn đến quá trình tổng hợp, tức là cách bạn đưa ra các kết luận của mình. Vậy nên một cấu trúc tốt và những ghi chú kỹ lưỡng sẽ là chìa khóa.
  • Khi đã xác định được đâu mới là yếu tố quyết định, bạn nên sẵn sàng cho việc bổ sung những khía cạnh mới hoặc cải tiến lại cấu trúc cũng như giả thuyết của mình ngay sau khi đáp án bạn mong muốn trở nên rõ ràng hơn.

4. Lời kết 

Candidate-led case interview là một hình thức phỏng vấn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên đã không còn là xa lạ đối với những tập đoàn tư vấn quản trị danh giá trên thế giới. Vậy nên, để tăng khả năng cạnh tranh với các ứng cử viên đã được làm quen với mô thức này từ sớm, bạn nên thường xuyên trau dồi các kiến thức cũng như kỹ năng giải case và các bí quyết khác thông qua Website Anh Chú Hướng Nghiệp. Hy vọng rằng bài viết này bổ ích với bạn. Chúc bạn thành công!

Đọc thêm: Framework giải case interview cho người mới bắt đầu

Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ nội dung bài viết:

Anh Chú Hướng Nghiệp (www.anhchuhuongnghiep.com)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
WhatsApp
Email

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Dự án Anh Chú Hướng Nghiệp hiện thực hóa khát vọng giúp đỡ giới trẻ của Dương Trần – Thạc sĩ ĐH Harvard, Chuyên gia Tư vấn chiến lược.

Đọc thêm tại đây

Kết nối

Chủ đề

Đăng ký nhận newsletter

Đăng ký nhận newsletter

Nhận email cập nhật về các bài viết, tài liệu & sự kiện mới của Anh Chú Hướng Nghiệp