Table of Contents
Nhắc đến management consulting, mọi người thường nhắc đến khả năng suy nghĩ, phân tích và giải quyết vấn đề đầy logic và có hệ thống. Đúng, nhưng chưa đủ. Để trở thành một nhà tư vấn quản trị giỏi, còn cần phải trang bị rất nhiều kỹ năng khác quan trọng không kém. Nổi bật trong số đó chính là: kỹ năng giao tiếp. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về kỹ năng này nhé!
1. Kỹ năng giao tiếp là gì?
Giao tiếp, nói một cách đơn giản, là quá trình trao đổi và tiếp nhận các loại thông tin khác nhau. Vậy kỹ năng giao tiếp chính là khả năng mà các đối tượng sử dụng trong quá trình này.
Rất nhiều người lầm tưởng rằng giao tiếp chỉ đơn thuần là nói chuyện hằng ngày hay trao đổi trong các cuộc họp. Tuy nhiên, thông tin ở đây có thể là một ý kiến, cảm xúc hay bất cứ thứ gì phản ánh sự vật, hiện tượng và đem lại hiểu biết cho con người. Vì thế, thực tế có rất nhiều loại giao tiếp, trong đó có 4 loại chính sau:
- Bằng lời nói: giao tiếp bằng ngôn ngữ nói
- Phi ngôn ngữ: giao tiếp qua ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm gương mặt, cử chỉ…
- Viết: giao tiếp bằng ngôn ngữ viết, con số hay ký hiệu…
- Trực quan: giao tiếp bằng hình ảnh, biểu đồ, bảng phác thảo…
Trong đó, mỗi loại kỹ năng này lại bao gồm và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhỏ khác như:
- Sự lắng nghe
- Phương pháp giao tiếp
- Sự thân thiện
- Sự tự tin
- Âm lượng và độ rõ ràng
- Sự đồng cảm
- Sự tôn trọng
- Những yếu tố phi ngôn ngữ
- Phản hồi
- …
2. Tại sao cần phải trang bị kỹ năng giao tiếp?
Rất đơn giản, vì một bộ kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp thông tin được truyền đạt rõ ràng, nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều. Ngược lại, việc giao tiếp kém sẽ gây ra rất nhiều vấn đề và khó khăn cho những người liên quan, hay rộng hơn là cả tổ chức, doanh nghiệp.
Cụ thể hơn, để đưa ra được đáp án cho vấn đề của doanh nghiệp, một management consultant phải thu thập rất nhiều loại thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, cũng như liên tục trao đổi thông tin giữa các bên. Nếu như giao tiếp không tốt, việc sai sót khi xử lý thông tin là rất dễ xảy ra. Việc này lại yêu cầu nhà tư vấn mất rất nhiều thời gian để sửa chữa hay tệ hơn là đưa ra những phán đoán sai lầm.
Không chỉ riêng với management consultant, bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt để có thể làm việc hiệu quả nhất. Bác sĩ cần trao đổi chính xác và kỹ lưỡng với bệnh nhân trước khi viết bất cứ đơn thuốc hay phác đồ điều trị nào. Học sinh cần phải lắng nghe và thảo luận hiệu quả với giáo viên để nắm được bài học… Hãy thử tượng tượng nếu những người này hiểu sai ý nhau, hậu quả như thế nào sẽ xảy ra?
Không chỉ riêng trong công việc, kỹ năng giao tiếp rõ ràng và chính xác cũng giúp cuộc sống cá nhân trở nên nhẹ nhàng và và vui vẻ hơn. Thông qua giao tiếp hiệu quả, sự thấu hiểu giữa người với người sẽ được tăng lên cũng như những mâu thuẫn sẽ giảm đi, từ đó giúp xây dựng và cải thiện hơn những mối quan hệ xung quanh.
3. Cách rèn luyện kỹ năng giao tiếp
Nhìn chung, có rất nhiều cách để cải thiện kỹ năng giao tiếp. Tiêu biểu có thể kể đến:
3.1. Quan sát những người giao tiếp tốt
Xung quanh chúng ta chắc chắn luôn có những người có khả năng truyền đạt thông tin tốt hơn những người khác, hay đơn giản hơn là có cách nói chuyện, trình bày vấn đề thu hút hơn mọi người. Hãy quan sát cách họ nói, cách họ trình bày ý tưởng và phong thái, ngôn ngữ cơ thể của họ. Nếu được, có thể ghi chú lại những điểm đáng học hỏi và thử tự áp dụng khi lần sau bản thân ở trong một tình huống tương tự. Hơn nữa, việc thấy được sự hấp dẫn, thu hút của một người có kỹ năng giao tiếp tốt còn có thể trở thành động lực cố gắng cho bản thân.
3.2. Xin góp ý từ những người xung quanh
Khi chúng ta giao tiếp, chúng ta rất khó có thể hình dung cảm giác của người đang tiếp nhận thông tin từ mình. Chính vì vậy, hãy xin những lời nhận xét khách quan hơn từ bạn bè, gia đình. Hiểu được mình đã làm tốt và còn yếu điểm nào sẽ giúp chúng ta đặt đúng sự ưu tiên hơn khi luyện tập.
3.3. Tham dự những lớp học, buổi chia sẻ về kỹ năng giao tiếp
Hiện nay, rất dễ dàng để tìm thấy những buổi nói chuyện, khóa học về giao tiếp. Tùy vào nhu cầu cũng như điều kiện mà chúng ta có thể có những lựa chọn khác nhau. Khác với góp ý từ mọi người, những cơ hội này sẽ cung cấp cho chúng ta kiến thức bài bản hơn về giao tiếp từ những người có chuyên môn hơn.
3.4. Tìm kiếm cơ hội để thực hành nhiều hơn
“Practice makes perfect” – mọi thứ đều cần sự luyện tập. Việc này có thể bắt đầu từ những cố gắng rất nhỏ như: chú ý giữ giao tiếp bằng mắt với người đối diện, xung quanh đại diện nhóm thuyết trình trước lớp… Hãy kiên trì cho đến một ngày việc giao tiếp tốt, hiệu quả từ một nỗi sợ trở thành một thói quen, một lối sống hằng ngày.
Ngoài ra còn có rất nhiều những phương pháp rèn luyện kỹ năng giao tiếp khác. Bên cạnh đó, cũng cần xác định được điểm mạnh yếu cũng như mục tiêu của bản thân để có kế hoạch cải thiện phù hợp nhất cho cá nhân.
4. Lời kết
Tuy là kỹ năng được thực hành thường xuyên nhất, đây lại là một trong những kỹ năng tốn nhiều thời gian và công sức nhất để học hỏi và hoàn thiện. Tuy việc, lợi ích mà một bộ kỹ năng giao tiếp tốt đem lại cho một người là hoàn toàn xứng đáng. Vậy nên, đừng chần chừ mãi, hãy bắt đầu ngay hôm nay, từng bước từng bước một cải thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân.