Table of Contents
Cùng với sự phổ biến ngày càng rộng rãi về ngành management consulting như một công việc đáng mơ ước, rất nhiều sinh viên hiện nay xem đại học danh tiếng, bảng điểm xuất sắc, kinh nghiệm thực tập đáng nể… là kim chỉ nam để theo đuổi giấc mơ này. Tuy nhiên, để trở thành một consultant giỏi, hay trước hết là để vượt qua được hàng loạt ứng viên nặng ký khác và giành một vị trí tại MBB, hiểu và sử dụng được Issue Tree trong việc giải case mới là điều kiện tiên quyết.
1. Issue Tree là gì?
Issue Tree (Cây Vấn đề) còn được gọi với những cái tên khác như Logic Tree hay Hypothesis Tree. Nhìn chung, đây là một mô hình tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống. Trong ngành tư vấn chiến lược (management consulting) nói riêng, đây là công cụ chính mà các nhà tư vấn (consultant) dùng để thực hiện các case study, hay giải case trong công việc hằng ngày.
Trên lý thuyết, Issue Tree có cấu trúc đơn giản như sau:
Trong thực tế, những nhà tư vấn chiến lược sử dụng các phiên bản Issue Tree phức tạp hơn rất nhiều để giải quyết bài toán doanh nghiệp.
Có thể thấy, vấn đề mơ hồ ban đầu đã được chia nhỏ ra thành những vấn đề phụ (subproblems), giả thuyết và kết thúc bằng những câu hỏi, hành động rất cụ thể và chi tiết. Lượng thông tin truyền tải cũng rất lớn và thường tốn khá nhiều thời gian để một người có thể hoàn toàn nắm bắt được. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng, vì Issue Tree được tạo ra từng bước từng bước một cách rõ ràng.
Dù thường xuyên xuất hiện trong các bài giải case interview của các công ty vấn lớn như McKinsey and company, Issue Tree không hẳn là 1 kỹ năng chuyên biệt của 1 nhà tư vấn. Thực tế, đây là một phương pháp giúp bạn sắp xếp các vấn đề và suy nghĩ 1 cách logic hơn trong bất kỳ lĩnh vực nào.
2. Vai trò của Issue Tree khi giải case
2.1. Giúp nhìn nhận vấn đề hiệu quả hơn
Không giống những case study tại những cuộc thi hay ở các trường kinh doanh thường được gói gọn trong vài chục trang giấy, những dự án mà một nhà tư vấn phụ trách thường rất phức tạp và yêu cầu phân tích rất nhiều dữ liệu. Việc xử lý một lượng lớn thông tin như vậy theo cách truyền thống có vẻ là một nhiệm vụ hơi quá sức dành cho bộ não, và cũng là một lựa chọn không hề thông minh nếu cân nhắc đến hiệu suất làm việc.
Issue Tree xuất hiện như một giải pháp hoàn hảo cho việc giải case. Nó giúp nhà tư vấn có cái nhìn bao quát về vấn đề và biết được bản thân cần làm chính xác những gì để đạt được mục đích khi giải case ban đầu.
2.2. Định hướng cho những giải pháp tối ưu hơn
Mục đích cuối cùng của case study hay giải case chính là tìm ra những giải pháp tốt nhất cho những vướng mắc của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ thật hỗn loạn và khó khăn nếu chỉ chăm chăm đi tìm đáp án cho những câu hỏi mơ hồ như: Làm sao để tăng doanh số trong quý cuối năm? Làm sao để ra mắt sản phẩm mới hiệu quả?…
Mặt khác, Issue Tree phân chia vấn đề theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm giúp nhà tư vấn và nhóm của mình tập trung vào việc tìm hướng giải quyết cho những trường hợp, giả định cụ thể. Chính việc phân tách nội dung chi tiết lại hỗ trợ quá trình tìm ra giải pháp nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, khi bạn được yêu cầu vẽ 1 bức tranh chung chung và 1 bức tranh gia đình vào ngày Tết, rõ ràng yêu cầu thứ 2 giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn và tạo tiền đề cho những ý tưởng giúp hoàn thiện bức tranh đó.
2.3. Giúp hệ thống bản trình bày một cách rõ ràng
Một case study hoàn chỉnh cần bao gồm rất nhiều nội dung và dữ liệu, từ đó biến việc sắp xếp một bản báo cáo cuối cùng trở thành một nhiệm vụ khá mệt mỏi. Tuy nhiên, với Issue Tree, tất cả những thông tin cần thiết sẽ được hệ thống rất logic ngay từ đầu. Từ đó, nhà tư vấn chỉ cần hoàn thiện bản trình bày theo mạch suy nghĩ và diễn giải vấn đề – giải pháp của Issue Tree.
Có thể thấy, Issue Tree là một trợ lý đắc lực giúp của việc giải case. Việc sử dụng tốt công cụ và cách suy nghĩ này sẽ đem lại ưu thế lớn các ứng viên trong việc giải case, đặc biệt là trong vòng Case Interview khi ứng tuyển vào các MBB.
3. Bốn điều quan trọng cần nhớ khi sử dụng Issue Tree
3.1. Issue Tree là tấm “bản đồ” của vấn đề
Như bao tấm bản đồ khác, yêu cầu tiên quyết của một Issue Tree là rõ ràng và chính xác để có thể dẫn dắt nhà tư vấn đi từ vấn đề khởi đầu đến giải pháp kết thúc.
Để làm được điều này, nguyên tắc MECE (Mutually Exclusive, Collectively Exhaustive) phải được được tuân thủ xuyên suốt. Nguyên tắc này có thể hiểu đơn giản là là No gaps and No Overlaps – Không khoảng trống và Không trùng lặp. Tức là những vấn đề phụ phải bao quát đủ rộng các giả thuyết, trường hợp nhưng đồng thời cũng phải tách biệt với các vấn đề phụ khác.
Tưởng tượng bạn vừa chuyển đến một thành phố xa lạ nơi google map không tồn tại, bạn sẽ chọn mua một tấm bản đồ rất chi tiết ở khu nhà bạn sống nhưng lại thiếu mất vài khu vực lân cận, hay một tấm bản đồ bao quát chung được toàn thành phố?
3.2. Issue Tree là một công cụ “chia để trị”
“Chia để trị” (Divide and Conquer) có nguồn gốc từ một chiến thuật quân sự, ám chỉ việc phân tán lực lượng của địch để diệt sẽ dễ dàng đem lại thắng lợi hơn so với việc đối đầu toàn lực cùng lúc.
Giống như trong câu chuyện về bó đũa mà ngày bé chúng ta hay được học. Người con dù trai có cố gắng bao nhiêu cũng không thể làm gì được bó đũa nhưng lại có thể dễ dàng bẻ gãy từng chiếc một rất nhanh chóng.
Trong giải case, “chia để trị” cũng mang ý nghĩa tương tự. Issue Tree cho phép nhà tư vấn bẻ nhỏ vấn đề thành nhiều mục nhỏ, với những hướng tiếp cận và giải pháp riêng biệt. Điều này đặc biệt hữu dụng với những nhà tư vấn cấp cao, người phụ trách những dự án tỷ đô với vô vàn thông tin cần thu thập, dữ liệu cần phân tích và các bên có liên quan cần liên hệ.
3.3. Issue Tree hướng sự ưu tiên về đúng chỗ
Vì Issue Tree đưa ra được yêu cầu với mục đích cụ thể, dữ liệu và thông tin sau khi thu thập sẽ được sắp xếp gọn gàng để trả lời chính xác những câu hỏi được đặt ra. Từ đó đưa ra những kết luận, định hướng có giá trị cho những bước tiếp theo của case study.
Nhờ đó, thay vì thu thập dữ liệu một cách vô định và tìm kiếm trong vô vọng những thông từ từ nó rồi lại chật vật sắp xếp chúng vào vấn đề ban đầu, nhà tư vấn sẽ biết được chính xác những gì cần phải làm, phải có khi nhìn vào Issue Tree.
Đôi khi không may, công ty khách hàng không có đủ dữ liệu cần thiết để cung cấp cho nhà tư vấn, buộc họ phải làm việc dựa trên những phán đoán và kiểm tra từng giả thuyết một từ cái khả thi nhất. Trong trường hợp này, Issue Tree đóng vai trò như một người dẫn đường, chỉ ra những trường hợp, câu hỏi nên được ưu tiên trước hết. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và nâng cao hiệu suất giải case lên rất nhiều lần so với những phương pháp dò đoán truyền thống.
3.4. Có thể tạo ra cả “Solution Trees”
Dựa trên cấu trúc và cách thành lập một Issue Tree, một Solution Tree cũng có thể được tạo ra xoay quanh đối tượng là giải pháp thay vì vấn đề. Việc khai thác giải theo mô hình này cho phép:
- Ý tượng được hệ thống tốt hơn
- Nhiều không gian hơn cho sự sáng tạo
- Mở ra những loại giải pháp mới
Tuy nhiên, điểm hạn chế ở đây là so với nguyên nhân và giả thuyết của vấn đề, chúng ra khó có thể liệt kê tất cả những giải pháp khả thi một cách bao quát và không trùng lặp theo nguyên tắc MECE.
4. Lời kết
Nếu bạn mong muốn được làm việc trong ngành tư vấn chiến lược, Issue Tree là kỹ năng đầu tiên cần phải học, bởi lẽ đây là lối tư duy điển hình hằng ngày của một nhà tư vấn, là kỹ năng thiết yếu và được đánh giá rất cao ở vòng Case interview. Hơn thế, suy nghĩ và đánh giá vấn đề một cách có hệ thống và toàn diện theo Issue Tree sẽ là một kỹ năng giúp bạn nổi bật và thăng tiến nhanh hơn trong công việc của mình.